(HNM) - Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” đăng trên Báo Hànộimới và một số báo khác ra ngày 1-9-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: "Trước hết, tập trung hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở thống nhất nhận thức đây là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ với định hướng phát triển kinh tế đất nước trong nhiệm kỳ tới.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu:
Đà cải cách thể chế kinh tế sẽ tiếp tục được duy trì
Nghiên cứu bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tôi rất tâm đắc với chỉ đạo tập trung hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở thống nhất nhận thức đây là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta... Đặc biệt, phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, như huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển...
Để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã có các nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế... Giai đoạn qua, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả to lớn, đặc biệt là việc tạo lập môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển. Tôi tin rằng, những kết quả đáng ghi nhận, cũng như đà cải cách thể chế kinh tế tiếp tục được duy trì trong nhiệm kỳ tới và có những đột phá mới, với quyết tâm mạnh mẽ hơn, góp phần khơi dậy niềm tin và tinh thần kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong:
Định hướng quan trọng để đất nước phát triển
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Nhiều chủ đề đã được bao quát trong bài viết, trong đó vấn đề kinh tế là một trong những trọng tâm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá rất khách quan thực trạng phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Trong đó mảng kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân được đánh giá, nhìn nhận một cách trực diện, thẳng thắn. Với khu vực doanh nghiệp nhà nước nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung, sau khi khẳng định những thành tựu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế; đồng thời phân tích tính hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý với khu vực kinh tế nhà nước cùng sự thiếu hoàn thiện trong cơ chế.
Với tinh thần đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ rõ những cơ chế để tạo động lực cho cả hai khu vực kinh tế trên phát triển. Cụ thể, là các khía cạnh liên quan tới vấn đề lợi ích, trách nhiệm cũng như môi trường đầu tư. Đặc biệt là việc tuân thủ những quy luật, thông lệ, cam kết hội nhập cũng như những quy trình trong quản lý kinh tế.
Mục tiêu đến năm 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao là một trong những định hướng quan trọng. Điều đó khẳng định, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta sẽ là kỳ Đại hội tạo sự đột phá về thể chế, để định hướng đất nước phát triển theo mục tiêu đã nêu ra; đồng thời cũng là thông điệp tạo sự đoàn kết, đồng thuận, động lực phát triển mới của đất nước với niềm tin vững chắc hơn.
Giám đốc Công ty Điện lực Hà Đông (Tổng công ty Điện lực Hà Nội) Hoàng Minh Thủy:
Kiên định con đường đã chọn
Tôi rất tâm đắc với đoạn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước viết: “Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo, đại hội sắp tới, chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, về kinh tế là tập trung hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời tạo được những bước đột phá về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Nhấn mạnh điều đó để khẳng định rằng, con đường phát triển mà Đảng và nhân dân ta đã chọn là hoàn toàn đúng đắn. Vì thế, trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng và giai đoạn tiếp theo, nhiệm vụ quan trọng là chúng ta tiếp tục kiên định với con đường đã chọn. Tôi tin tưởng, với định hướng đó, kinh tế của đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.