(HNM) - Ngày 3-2-1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau một thời gian ngắn ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945).
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngày 19-8-1945 nhân dân ta đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa “long trời, lở đất”, đập tan xiềng xích nô lệ hàng trăm năm của thực dân, đế quốc, giành chính quyền về cho nhân dân. Đảng ta khi đó mới tròn 15 tuổi, có khoảng 5.000 đảng viên, đã làm nên sự kiện mang tầm vóc thời đại, mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Qua 76 năm, những bài học quý báu của cuộc Cách mạng Tháng Tám luôn tạo nên sức mạnh nội lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vang dội trong thế kỷ XX và hai thập niên đầu của thế kỷ XXI. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến 21 năm chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của hai cuộc chiến tranh biên giới để bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước. Đó là thắng lợi của 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước, vượt qua cơn “động đất chính trị” trên thế giới vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, làm cho hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới lâm vào thoái trào; xây dựng đất nước từ đống tro tàn đổ nát của 30 năm chiến tranh; vượt qua mọi khó khăn do bị bao vây, cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã ra khỏi nhóm nước chậm phát triển và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang thực hiện mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với khát vọng vươn lên và ý chí, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới để đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Về mặt thuận lợi, trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương là xu thế không gì có thể ngăn cản được. Ở trong nước, kinh tế nhiều năm tăng trưởng cao; tình hình chính trị - xã hội ổn định, công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh, nhất là công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt và có hiệu quả. Do vậy, niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng ngày càng tăng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại ngày càng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, tuy kinh tế tăng trưởng cao nhiều năm liền nhưng năng suất, chất lượng, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng nới rộng, phân hóa xã hội gia tăng, đạo đức xã hội xuống cấp đáng lo ngại. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai, bão, lụt, hạn hán diễn ra nhanh và phức tạp. Bốn nguy cơ: Chệch hướng Xã hội chủ nghĩa, tụt hậu xa hơn về kinh tế, tham nhũng và “diễn biến hòa bình” vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn; lại thêm bốn vấn đề bức xúc hiện nay về an toàn giao thông, an toàn môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn thông tin mạng đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến diễn biến tư tưởng, sức khỏe, chất lượng cuộc sống và an toàn tính mạng của nhân dân. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng bằng các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta để phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, hòng làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trước tình hình đó, phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước ta ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược. Trên cơ sở đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chú trọng nguồn lực con người - coi con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; tập trung thực hiện có hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ trên cơ sở gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, tránh nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng theo nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác tổ chức cán bộ. Đồng thời, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, công tác xây dựng Đảng cần tiến hành thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Đảng. Chính việc phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng đã khắc phục được tình trạng bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật”. Tiến hành công khai hóa những vụ việc đã xử lý để tinh thần “Thượng tôn pháp luật” được thực hiện nghiêm trong Đảng, trong xã hội.
Ngành Tuyên giáo tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác trong giai đoạn mới, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành Tuyên giáo sẽ không ngừng đổi mới, bám sát thực tiễn đất nước và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trên từng lĩnh vực, nhất là tập trung vào công tác dự báo để chủ động, kịp thời tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề do lý luận và thực tiễn đặt ra, trước những diễn biến nhanh, khó lường của khu vực và quốc tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động hằng ngày, hằng giờ. Đặc biệt cần đổi mới công tác tuyên giáo theo phương châm “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực” để cổ vũ toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Đồng thời làm tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Kiên quyết làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với biến thể Delta đang bùng phát nhanh, mạnh, rộng là dịp để các cấp, các ngành tăng thêm quyết tâm và ý chí hành động vào công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Để triển khai thành công “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần thực hiện tốt Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. Với hào khí của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta sẽ thực hiện thắng lợi khát vọng đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh và hạnh phúc.
TS Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương; nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.