(HNM) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa kết thúc chuyến thăm chính thức đầu tiên kéo dài 3 ngày tới Đức kể từ khi đắc cử vào năm 2014 với hàng loạt cam kết hợp tác đạt được trên nhiều lĩnh vực.
Đây được coi là nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tái xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia cùng là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn bị đóng băng do những căng thẳng liên quan tới các chiến dịch trấn áp của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016 và việc Ankara bắt giữ một số phóng viên, nhà hoạt động nhân quyền quốc tịch Đức.
Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan tại buổi họp báo chung ở thủ đô Berlin (Đức). |
Triển vọng xích lại gần nhau và tái khởi động các mối quan hệ truyền thống giữa Berlin và Ankara đã được nhen nhóm từ đầu năm 2018, khi Ngoại trưởng Đức lúc đó là ông Sigmar Gabriel nhất trí với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu về nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Điển hình là việc Ankara thả một số nhân vật Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ trước đó, trong khi phía Berlin để ngỏ cánh cửa đối thoại và nối lại hợp tác khi chào đón Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tới thăm hồi tháng 2-2018.
Tiếp nối những tín hiệu lạc quan đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống R.Erdogan đã có buổi gặp gỡ và làm việc trong khuôn khổ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và thảo luận về các vấn đề song phương, quốc tế cùng quan tâm, bao gồm tình hình tại Syria, cuộc khủng hoảng người di cư, triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại...
Vượt qua sự khác biệt, Thủ tướng A.Merkel và Tổng thống R.Erdogan tuyên bố Berlin và Ankara có thể hàn gắn mối quan hệ đã bị tổn hại thời gian qua, đồng thời tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau vì lợi ích chiến lược chung. Đây cũng là nhu cầu cấp thiết khi hai quốc gia này đều đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ những khó khăn trong phát triển kinh tế cho tới cuộc khủng hoảng người nhập cư hay mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng khó lường.
Giới quan sát nhận định, yếu tố giúp Đức và Thổ Nhĩ Kỳ thu hẹp khoảng cách ở thời điểm hiện tại chính là việc cả Berlin và Ankara đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế do các biện pháp siết chặt thuế quan từ Washington. Các nhà lãnh đạo hai bên cùng chung quan điểm phản đối lập trường thương mại cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cho rằng chủ nghĩa bảo hộ là mối nguy lớn đối với an ninh toàn cầu.
Không chỉ là câu chuyện giữa hai nước, quan hệ nồng ấm hơn với Đức còn mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội hợp tác sâu rộng với toàn châu Âu. Trong tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bên lề các cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại TP New York (Mỹ). Điều này cho thấy quyết tâm tạo dựng mối liên kết bền chặt hơn với châu Âu trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang có chiều hướng xấu đi và Ankara vẫn chưa từ bỏ hy vọng trở thành thành viên của “mái nhà chung” EU.
Thủ tướng A.Merkel đã khẳng định, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều được hưởng lợi từ các mối quan hệ tốt đẹp, đối thoại là cách thức hiệu quả nhất để vượt qua sự khác biệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.