Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi đầu chặng đường mới

Đình Hiệp| 12/01/2012 06:06

(HNM) - Chuyến thăm chính thức 3 ngày tới Trung Quốc của Tổng thống Lee Myung-bak vừa khép lại (chiều 11-1) được xem như chất xúc tác, thúc đẩy một khởi đầu mới trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung - Hàn.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (phải) đón tiếp Tổng thống Lee Myung-bak tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

Diễn ra chưa đầy một tuần sau khi trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell tới Bắc Kinh để bàn về sự ổn định tại Triều Tiên, sự trở lại Trung Quốc lần thứ hai kể từ khi nhậm chức tháng 2-2008 và là chuyến công cán nước ngoài đầu tiên trong năm mới 2012 của Tổng thống Lee Myung-bak cũng không nằm ngoài mối quan tâm chung đó. Dường như chưa bao giờ vấn đề phi hạt nhân hóa, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên lại trở thành tâm điểm chi phối nội dung nhiều chuyến thăm ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc như những ngày qua, nhất là sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên kế nhiệm Chủ tịch Kim Jong Il qua đời.

Là nước có quan hệ gắn bó mật thiết với Triều Tiên, từ lâu Trung Quốc luôn giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định cục diện an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên nắm quyền, việc bảo đảm hòa bình cũng như đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên càng được các quốc gia trong khu vực quan tâm, nhất là Hàn Quốc. Dù không đề cập trực tiếp nhưng không ít chuyên gia phân tích cho rằng, Tổng thống Lee Myung-bak muốn Trung Quốc dùng ảnh hưởng vốn có với Bình Nhưỡng để thúc đẩy cải cách, mở cửa ở Triều Tiên cũng như quá trình phi hạt nhân hóa trên toàn bán đảo. Và để tiến trình đàm phán đầy gai góc này có thể được khởi động trở lại, sẽ không thể thiếu những nỗ lực của đối tác đặc biệt Trung Quốc. Điều đó cũng giải thích vì sao, không chỉ dừng lại ở cam kết thắt chặt kinh tế và thương mại, nhất trí bắt đầu các thủ tục tiến hành đàm phán thỏa thuận tự do mậu dịch song phương, xây dựng kế hoạch thiết lập đường dây nóng giữa ngoại trưởng hai bên, Thông cáo chung sau cuộc gặp giữa Tổng thống Lee Myung-bak và Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn nhấn mạnh: "Chia sẻ quan điểm về phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, xem hòa bình và ổn định là điều quan trọng nhất" trong quan hệ hai nước.

Trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên "xông đất" Trung Quốc, chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Tổng thống Lee Myung-bak diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi hai nước chọn năm 2012 để kỷ niệm dấu mốc 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Dù chưa thể tránh khỏi những "nóng lạnh" thất thường trong quan hệ ngoại giao, nhưng những tiến bộ vượt bậc trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai đầu tàu kinh tế của khu vực cũng như trên thế giới 20 năm qua là điều không thể phủ nhận. Khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch buôn bán hai nước chỉ dừng lại ở con số 5 tỷ USD. Nhưng, đến năm 2011 kim ngạch thương mại song phương Trung - Hàn đã đạt con số kỷ lục 214 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2010 và dự kiến năm 2015 có thể đạt 300 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, tương đương 24% thị phần.

Nếu "sự cố" ngày 12-12-2011 thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đâm chết cảnh sát biển Hàn Quốc khi bị bắt giữ trong lãnh hải Hàn Quốc khiến dư luận thế giới không khỏi lo ngại Trung - Hàn sẽ lặp lại kịch bản "chính trị lạnh - kinh tế nóng" thì, những cái bắt tay của Tổng thống Lee Myung-bak với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm ba ngày qua đã khiến thế giới lạc quan hơn về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong năm mới 2012.

Trong bối cảnh bóng ma của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn ngấp ngó trước cửa bất cứ nền kinh tế nào, việc đẩy mạnh hợp tác Trung - Hàn không chỉ giúp nền kinh tế khu vực vững vàng hơn trước sóng gió, mà còn góp phần ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Hy vọng sự khởi đầu lạc quan trong năm mới 2012 này sẽ giúp Trung - Hàn tiếp tục đạt được nhiều bước tiến mới, góp phần làm dịu những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bấy lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi đầu chặng đường mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.