(HNM) - Sau liên tiếp thông tin về các vụ cháy ô tô, xe máy, những nghi vấn về chất lượng xăng dầu đã được đẩy lên đỉnh điểm khi báo chí phát giác về đường dây gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Rất nhanh sau đó, cơ quan chức năng đã xác định thủ phạm các vụ rút ruột xăng dầu.
Cơ quan của Bộ KHCN cũng đã vào cuộc lấy mẫu xăng tại các cửa hàng "điểm đến" của những chiếc xe bị rút ruột để kiểm nghiệm, kết luận ban đầu là "không có dấu hiệu bất thường".
Vậy là từ chuyện xe cháy, đến xăng rởm, lần lượt các bộ GTVT, Công an, KHCN và giờ đây đến lượt Bộ Công thương vào cuộc. Tuy nhiên, sau bao trông ngóng trong bất an, nhưng câu trả lời cuối cũng vẫn còn bỏ ngỏ. Nhà quản lý vẫn chưa biết vì sao xe cháy và không tìm thấy xăng bẩn. Người dân càng chưa thể an tâm.
Trong chuyện này, với cơ chế như hiện nay thì thật khó mà dồn trách nhiệm cho một bộ nào cụ thể.
Quản lý kinh doanh xăng dầu thuộc về Bộ Công thương, nhưng kiểm soát chất lượng lại thuộc Bộ KHCN, còn khi có nghi vấn gian lận thì trách nhiệm lại của Bộ Công an. Có lẽ chính sự chồng chéo này đã giải thích tại sao sau hơn hai tháng liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe mà cơ quan quản lý vẫn không thể đưa ra được kết luận nguyên nhân. Và cũng chính vì thế mà dư luận dường như chỉ đổ dồn trách nhiệm lên vai ngành giao thông. Ngay cả người đứng đầu ngành GTVT cũng thừa nhận, hiện nay đang có những khoảng trống trong pháp luật cho nên các vụ cháy nổ xe máy, ô tô của người dân trong thời gian qua diễn ra liên tục nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm. Và ông cũng thẳng thắn khẳng định, từ năm 2012 cháy, nổ xe máy là phải có người chịu trách nhiệm, Bộ GTVT, cụ thể là Cục Đăng kiểm sẽ nhận trách nhiệm ấy.
Quả thật, việc người đứng đầu ngành GTVT nhận trách nhiệm trong tình huống này là rất đáng mừng. Nhưng ngẫm ra thì thấy khoảng trống trong trách nhiệm còn lớn quá. Cháy xe, cho dù là nguyên nhân từ xăng hay từ xe, hoặc giả từ một hành vi chủ quan của con người thì cũng thấy khó quy hết trách nhiệm cho ngành GTVT. Ngay cả khâu đăng kiểm cũng chỉ là chứng nhận chất lượng phương tiện chứ không thể biết được khi nào xe cháy. Trong khi ấy, liên quan đến cháy xe thì cơ quan điều tra mới đưa ra những kết luận khá chung chung, còn với chất lượng xăng dầu thì chính chủ quản là Bộ Công thương, khi bị thúc vào lưng rồi mới lên tiếng bằng một văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chỉ được phép lưu thông xăng dầu có chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Dễ thấy những "nhắc nhở" này của Bộ Công thương nhằm xoa dịu dư luận hơn là một văn bản quản lý, nếu không muốn nói là rất thừa. Bởi đã đăng ký kinh doanh thì đương nhiên tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sản phẩm mình kinh doanh. Nếu vi phạm lập tức đã có các chế tài điều chỉnh, thậm chí bị pháp luật trừng phạt. Ô tô, xe máy vẫn tiếp tục cháy. Bốn bộ đã vào cuộc mà mãi không tìm ra câu trả lời về nguyên nhân gây cháy và chưa có biện pháp ngăn chặn. Người dân vẫn hằng ngày nơm nớp "cưỡi" trên nguy cơ mất an toàn cả tài sản và tính mạng, không biết làm sao?!
Rõ ràng, từ chuyện cháy xe, đến phản ứng từ cơ quan quản lý đã bộc lộ rõ hơn khoảng trống rất lớn trong công tác quản lý hiện nay...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.