Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng trống phải lấp đầy

Quốc Bình| 28/07/2011 07:16

(HNM) - Với hầu hết các gia đình ở ngoại thành Hà Nội, khi chuẩn bị xây dựng ngôi nhà mới để ở, những khái niệm quy hoạch vẫn rất xa lạ...


Thực trạng đáng báo động


Công tác quản lý quy hoạch xây dựng ngoại thành Hà Nội đang cần đội ngũ cán bộ có đủ năng lực.   Ảnh: Khánh Nguyên


Có quá nhiều dẫn chứng cho thấy, yếu tố quy hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay cực kỳ yếu. Về quản lý sử dụng đất đai, thực trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích diễn ra phổ biến. Đến một làng, thôn, xã bất kỳ, chúng ta khó mà nhận dạng được từng khu chức năng như nơi ở, nơi sản xuất, nơi xây dựng các công trình công cộng, nơi chôn cất người chết. Tại những làng có nghề, sự pha tạp và lộn xộn càng trở nên phức tạp, gây ra rất nhiều mâu thuẫn trong đời sống dân sinh; phổ biến nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm tiếng ồn. Về mặt kiến trúc xây dựng, từ nhà dân cư nông thôn cho đến các công trình công cộng, mỗi nơi làm một "phách", mỗi nhà làm một kiểu, không theo nguyên tắc, quy củ gì. Bí thư Huyện ủy Ba Vì và là tân Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho biết: "Trong quy hoạch nông thôn mới sẽ có những điểm dân cư nông thôn được tổ chức tập trung, gọn gàng với những tiêu chí chung của Bộ Xây dựng".

Chỉ một số ít xã, thị trấn của Hà Nội cũ là có quy hoạch, còn lại gần 400 xã, thị trấn của Hà Nội mới chưa có quy hoạch. Nhưng quan trọng là dù có hay không có quy hoạch, việc quản lý quy hoạch ở khu vực nông nghiệp vẫn bị bỏ trống, ngoại trừ những dự án lớn cấp TP phê duyệt thì về nguyên tắc là được Sở QHKT giới thiệu địa điểm đất. Nguyên nhân chính là ở cấp TP chưa có phòng chuyên môn về quản lý quy hoạch khu vực nông thôn, trong khi ở cấp huyện, cấp xã, cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này lại càng không có. Hà Nội đang thiếu hàng trăm cán bộ có chuyên môn về quản lý quy hoạch khu vực này.

Thiếu quy hoạch và thiếu cán bộ quản lý quy hoạch đang tạo sức ép đối với chính quyền nhiều huyện ngoại thành đang đô thị hóa mạnh mẽ như: Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Trì, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng… Trong khi quỹ đất ngày càng cạn kiệt, hoạt động xây dựng ngày càng sôi động, xem ra bộ máy quản lý vẫn không thay đổi, cán bộ chuyên môn không được bổ sung. Có thể nói, một khoảng trống về công tác quản lý quy hoạch đang hiện hữu ở vùng chiếm tới 60% số dân Hà Nội.

Cần phải khẩn trương

Điều cần thiết đối với TP sau khi có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch nông thôn mới là một mặt phổ biến nhận thức về quy hoạch cho dân cư nông thôn - ngoại thành, mặt khác là tăng cường công tác quản lý hành chính về quy hoạch. Để làm được việc này, nhất định TP phải triển khai đồng thời hai việc: Một là bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ quản lý từ các huyện, thị xã đến các xã, thị trấn về chuyên môn quản lý quy hoạch. Hai là bổ sung nhân sự chuyên trách về quản lý quy hoạch cho các địa phương.

Về lâu về dài, trao đổi với Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, TP sẽ phối hợp với các trường như ĐH Kiến trúc, ĐH Xây dựng để hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý quy hoạch. Các sở, ngành có chuyên môn về lĩnh vực này cũng sẽ được huy động tham gia vào việc đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực này. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở QHKT, Sở đã đề nghị thành lập Phòng Quản lý quy hoạch nông thôn và đang trong quá trình hoàn thiện tổ chức. Đây chỉ là bước đầu trong việc thiết lập hệ thống quản lý quy hoạch nông thôn - ngoại thành một cách chuyên nghiệp hóa. Giám đốc Sở QHKT cho rằng, mỗi xã, thị trấn ngoại thành cần bổ sung 1-2 cán bộ quản lý quy hoạch, chưa kể ở cấp huyện.

Dễ nhận thấy là việc thực hiện các giải pháp thiết lập hệ thống quản lý quy hoạch nông nghiệp - nông thôn chưa có sự tập trung và chưa cho thấy tính chất cấp bách của vấn đề. Phải chăng, TP nên phân công trách nhiệm cụ thể cho một số cá nhân nghiên cứu xây dựng một đề án riêng. Trong đó, việc quan trọng nhất là cần thiết lập nhanh chóng về mặt cơ chế trước. Cụ thể là chuẩn bị trình HĐND TP có thể quyết nghị sớm về bổ sung cơ cấu, cơ chế, chế độ, phụ cấp cho cán bộ quản lý quy hoạch ở địa phương. Sau đó có thể giao nhiệm vụ để phát huy tính chủ động của các huyện trong việc đào tạo, bổ sung nhân sự. Một điều quan trọng khác, TP cũng cần xác định trách nhiệm cụ thể của các huyện, xã, thị trấn trong quản lý quy hoạch. Chỉ có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể, sát sao, hiệu quả quản lý mới được tăng cường.

Năm 2012, quy hoạch nông thôn mới sẽ được hoàn thành và đưa vào thực hiện. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đã được phê duyệt ngày 26-7-2011. Tính khả thi của hai quy hoạch mang tính sống còn đối với sự phát triển của Thủ đô phụ thuộc vào việc nhân lực quản lý quy hoạch nông thôn - ngoại thành sẽ được hình thành ra sao?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoảng trống phải lấp đầy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.