(HNM) - Từ hôm nay, 1-2-2012, khoảng 900 trường học với 510 nghìn HS trong tổng số gần 2.500 trường học trên địa bàn TP bắt đầu thực hiện việc đổi giờ học theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Ngoài ra còn có hơn 620 nghìn sinh viên.
Đối tượng áp dụng điều chỉnh là cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ, giáo viên và HS các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng trên địa bàn 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Cụ thể, HS mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu giờ học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ học chiều vào 17h, song các trường được yêu cầu bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận HS từ 7h30 sáng và quản lý HS đến 17h30 hằng ngày; HS, sinh viên các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h, kết thúc giờ học chiều sau 19h hằng ngày.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức quán triệt nội dung của quy định mới tới trưởng phòng GD-ĐT của 12 quận, huyện và các đơn vị trực thuộc, đồng thời hướng dẫn việc triển khai kỹ càng với tinh thần sẵn sàng khắc phục khó khăn. Theo chỉ đạo của sở, trong những ngày đầu thực hiện, nếu có HS, sinh viên đi muộn, các nhà trường cần tạo điều kiện cho các em được vào học, tránh tình trạng HS, sinh viên không được vào lớp vì lý do đi học muộn giờ; nếu cha mẹ HS chưa kịp đến đón con, em, các nhà trường cần có biện pháp quản lý HS trong thời gian chờ gia đình đến đón.
Ghi nhận tại các địa bàn cho thấy, lãnh đạo các phòng GD-ĐT cũng đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường sẵn sàng phương án triển khai cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cho rằng, việc đổi giờ học, giờ làm không tránh khỏi những xáo trộn trong cuộc sống sinh hoạt và làm việc hằng ngày của nhiều gia đình và nhà trường, nhất là trong những ngày đầu áp dụng. Tuy nhiên, cán bộ, giáo viên các trường sẽ cùng nỗ lực để khắc phục. Cụ thể như với khối THCS, việc triển khai theo giờ học mới khiến cho khoảng thời gian từ giờ tan học buổi sáng đến giờ bắt đầu vào học buổi chiều ở các trường ngắn hơn trước khá nhiều (chỉ khoảng trên dưới 30 phút). Để tránh xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, lộn xộn khu vực ngoài cổng trường vào thời điểm này vì học sinh ca sáng tan học, học sinh ca chiều đến trường vào cùng lúc, các trường sẽ huy động cả cán bộ, giáo viên hỗ trợ giải tỏa; hướng dẫn cho HS tan học ra khỏi trường một cổng và những HS đi học buổi chiều vào một cổng (với những trường có hai cổng); những nơi chỉ có một cổng được yêu cầu chuẩn bị cải tạo để có thể bố trí hai cổng ra - vào cho HS. Còn Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì) Trần Anh Tuấn cho biết, do đặc thù của trường có nhiều giáo viên trẻ, lại là nữ, đang có con nhỏ nên việc thực hiện theo lịch học mới khiến một số người gặp khó khăn. Nếu cả hai vợ chồng cùng công tác trong ngành sẽ vất vả khi thu xếp công việc gia đình và đưa - đón con bởi giờ tan học buổi chiều khá muộn (sau 19h). Để giúp giáo viên khắc phục khó khăn này, thời khóa biểu của trường đã bước đầu được điều chỉnh, cố gắng không xếp cho giáo viên nữ có con nhỏ vào những giờ cuối buổi chiều; không phân công những người vừa dạy giờ cuối của ca sáng vào dạy những tiết đầu của buổi học chiều.
Với khối các trường đào tạo, Phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT Nguyễn Đình Mạnh khẳng định, đã chỉ đạo các trường áp dụng mọi biện pháp để thông báo về việc điều chỉnh giờ học cho mọi sinh viên, bởi còn khá nhiều sinh viên hiện vẫn chưa ổn định việc học tập sau thời gian nghỉ Tết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.