(HNM) - Ngày 21-4-2014, Báo Hànộimới đăng bài:
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, hơn 150 đối tượng đang được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại xã Đồng Tiến đã được mời đến trụ sở UBND xã để xác minh lại độ tuổi với Đoàn thanh tra của UBND huyện Ứng Hòa. Qua đối chiếu chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, bước đầu có thể khẳng định tại địa phương này có việc khai man tuổi để được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước với những người từ đủ 80 tuổi trở lên. Đặc biệt, thêm một chi tiết khiến nghi vấn "chạy" chế độ trợ cấp xã hội ở địa phương này càng rõ nét khi ông Phạm Văn Cung, Trưởng thôn Giang Làng tiết lộ: Trong số 22 hồ sơ của người được hưởng trợ cấp hằng tháng của thôn thì có đến 13 bộ hồ sơ được hoàn thiện bằng cách giả mạo chữ ký (của ông Cung - PV) trong đơn xin xác nhận của các trường hợp này. Ông Cung cho biết thêm: "Nếu không thanh, kiểm tra thì tôi không thể biết mình đã bị giả mạo chữ ký nhiều đến vậy. Đây cũng là lý do vì sao tôi không thể nắm được thôn Giang Làng có bao nhiêu người cao tuổi được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Tôi đã yêu cầu Đoàn thanh tra của UBND huyện lập biên bản và đề nghị phải làm sáng tỏ vấn đề này".
Được biết, ngay sau khi phóng viên Báo Hànộimới cung cấp thông tin về nghi vấn khai man tuổi để được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại xã Đồng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa đã ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra với 3 thành viên. Theo đó, Đoàn thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi tại xã Đồng Tiến từ năm 2011 đến nay và thời gian thanh tra là 30 ngày. Về kết quả sơ bộ, ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Bước đầu xác định có khoảng 20 trường hợp chưa đủ tuổi theo quy định nhưng đã được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng và hiện nay việc thanh tra vẫn được thực hiện khẩn trương.
Động thái nêu trên của UBND huyện Ứng Hòa rất đáng được dư luận hoan nghênh, song cũng băn khoăn đặt ra câu hỏi: Cán bộ xã Đồng Tiến có biểu hiện "chạy" cho những người chưa đủ tuổi 80 được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng, nhưng tại sao các hồ sơ đó lại dễ dàng "lọt lưới" kiểm tra của phòng chức năng của huyện, và trách nhiệm liên quan của các cán bộ này đến đâu? Ai là người để những hồ sơ vi phạm đó "trôi" và trót lọt trong suốt những năm qua? Dư luận vẫn đang tiếp tục chờ kết quả thanh tra của UBND huyện Ứng Hòa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.