Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoa học và phù hợp thực tế

Minh Ngọc| 30/12/2015 07:30

(HNM) - Nhằm từng bước tháo gỡ những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích (DT), Sở VH&TT Hà Nội đã xây dựng


Khách tham quan Khu Di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long.


Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội về những vấn đề này.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về khung pháp lý đối với hoạt động quản lý, bảo tồn DT hiện nay?

- Có thể nói, so với những năm trước, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị DT hiện nay đầy đủ, toàn diện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các quy định này được áp dụng cho tất cả các địa phương nên khá chung chung, không phải ai cũng có thể hiểu và tiếp cận, nhất là những người trực tiếp trông coi DT.

Mặt khác, theo Nghị định 70/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL sẽ thỏa thuận chủ trương lập dự án và thẩm định dự án tu bổ DT quốc gia; Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố thỏa thuận chủ trương lập dự án và thẩm định dự án tu bổ DT cấp tỉnh, thành phố, nhưng trên thực tế việc thẩm định dự án tu bổ DT không đơn thuần về chuyên môn mà còn liên quan các vấn đề kết cấu, tài chính, kỹ thuật nên cần sự tham gia của nhiều ngành. Vì thế, khi triển khai trong thực tế, khâu thẩm định dự án đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nơi thì thực hiện theo Luật Di sản văn hóa và Nghị định 70, nơi lại áp dụng theo Luật Xây dựng.

Hà Nội là địa phương có mật độ DT dày đặc, trong đó có rất nhiều DT quốc gia đặc biệt nên việc quản lý đòi hỏi phải có Quy chế phù hợp với thực tiễn để DT được bảo vệ, phát huy giá trị tốt nhất.

- Dự thảo Quy chế đưa ra hướng giải quyết những mâu thuẫn hiện tại như thế nào, nhất là với DT được tu bổ, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa, thưa ông?


- Dự thảo quy chế được xây dựng dựa trên thực tiễn quản lý và nhiều lần lấy ý kiến các sở, ngành chức năng, các địa phương và các nhà nghiên cứu nên có nhiều nội dung được đánh giá là phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ DT vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định 70 và một số quy định liên quan, song cơ quan thẩm định và phê duyệt dự án đã được quy định khá cụ thể.

Đối với DT sử dụng nguồn xã hội hóa để tu bổ, một thời gian dài được cộng đồng hiểu là cộng đồng có trách nhiệm đóng góp kinh phí thì sẽ có vai trò quyết định chính đối với việc tu bổ, tôn tạo DT. Trên thực tế, nhiều DT được tu bổ bằng nguồn xã hội hóa không giữ được giá trị kiến trúc và cảnh quan vốn có. Theo quy định của Luật Di sản thì DT được tu bổ từ nguồn nào cũng phải tuân thủ các quy định của luật. Hiện cộng đồng đã hiểu luật hơn, nhưng vẫn luôn mong muốn DT của cộng đồng mình sớm được tu bổ.

Để hài hòa giữa luật và thực tiễn, dự thảo Quy chế quy định, trường hợp DT sử dụng kinh phí xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo thì cơ quan được phân cấp quản lý DT có thể nhập bước xin chủ trương và thẩm định dự án làm một để đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

- Bất cập khác là việc quản lý, sử dụng nguồn thu của DT. Ông có thể cho biết, trong dự thảo Quy chế, nguồn thu của DT được sử dụng như thế nào?

- Có thể hiểu, nguồn thu của DT có được từ việc thu phí tham quan DT, từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị DT, từ nguồn đóng góp tự nguyện (công đức, tài trợ và các khoản thu khác). Dự thảo Quy chế quy định, nguồn thu từ phí tham quan DT được quản lý, sử dụng theo các quy định hiện hành về phí, lệ phí; quy định của UBND TP Hà Nội về mức thu phí tham quan DT. Các khoản thu hợp pháp từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng được sử dụng theo các quy định hiện hành.

Riêng nguồn đóng góp tự nguyện (tiền, hiện vật) được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng mục đích (chi tiền điện, nước, vệ sinh, đèn hương, bao sái, trông coi, bảo quản, tu bổ DT…) dưới sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

- Việc quản lý hiện vật và chế độ cho người trông coi thì sao, thưa ông?

- Trong dự thảo Quy chế, UBND cấp huyện và tổ chức quản lý DT chịu trách nhiệm kiểm kê hiện vật thuộc DT đã được xếp hạng. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý DT không được tự ý di dời, tu sửa làm thay đổi màu sắc, kiểu dáng hiện vật là yếu tố gốc cấu thành DT hoặc tiếp nhận, đưa thêm hiện vật vào DT khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân nào cố tình làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Chế độ cho người trực tiếp trông coi DT hiện có nơi có, nơi không. Theo dự thảo Quy chế, đối tượng này sẽ hưởng trợ cấp trích từ nguồn thu của DT, trong trường hợp DT không có nguồn thu thì ngân sách của cấp quản lý có trách nhiệm cân đối để bố trí.

Ngoài những vấn đề đã chia sẻ, dự thảo Quy chế còn đưa ra những quy định về việc kiểm kê, xếp hạng DT, quản lý mặt bằng không gian DT, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các cơ quan quản lý DT… Được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tôi tin dự thảo Quy chế được phê duyệt và triển khai, những mâu thuẫn, vướng mắc giữa các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DT với thực tiễn sẽ từng bước được hóa giải.

- Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học và phù hợp thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.