(HNM) - Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa đang là yêu cầu và đòi hỏi cấp bách đối với nước ta. Bởi chỉ có ứng dụng công nghệ thì nông sản Việt Nam mới nâng cao được giá trị gia tăng, đồng thời tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới.
Đã có một thời, cùng với việc đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học ứng dụng cho công nghiệp nặng thì việc kêu gọi cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp đã được đặt ra. Trên thực tế, ngành nông nghiệp được coi là chỗ dựa cho nền kinh tế, nhiều năm liền giúp Việt Nam có thứ hạng trên thế giới về xuất khẩu. Tuy nhiên, kết quả cho đến nay sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề chưa thực sự đổi mới, trong đó thứ được cho là thiếu thốn nhất trong nông sản Việt chính là hàm lượng chất xám. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp của ta vẫn còn nhiều yếu kém, trình độ thấp so với khu vực và thế giới, do đó chất lượng và hiệu quả từ nông nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh yếu.
Những năm gần đây, việc xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, những vùng chuyên canh được nhắc đến nhiều như một bước đột phá trong nông nghiệp. Song nhìn từ thực tế chúng ta đang thu hoạch được những gì? Hay chỉ là thay vào đó, từ năm này qua năm khác, vẫn cứ vang lên mãi điệp khúc “được mùa, mất giá”; bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì” cho bền vững dường như vẫn chưa có lời giải, dẫn đến tình cảnh “trồng - chặt” vẫn xảy ra thường xuyên. Thị trường nông sản mong manh bởi sản xuất ra rồi mà hàng chưa tiêu thụ được thì chẳng mấy mà phải đổ bỏ vì không có giải pháp bảo quản, điển hình như trái dưa hấu; chỗ may mắn hơn thì xuất khẩu được nhưng giá trị còn thấp do chủ yếu là bán hàng “thô”, hoặc giá không cạnh tranh được.
Mới đây, việc 2 tấn vải thiều đầu tiên được chiếu xạ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Australia được coi là bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ bảo quản để nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài. Nhưng, 2 tấn hàng hóa là con số quá nhỏ bé để định hình tương lai cho nông sản Việt. Ngay cả với công nghệ chiếu xạ để bảo quản và nâng cao chất lượng nông sản, vốn khá phổ biến trên thế giới, hiện nay cũng chưa thể ứng dụng rộng rãi được khi cả nước mới chỉ có 2 trung tâm tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Dân gian thường nói “cái khó bó cái khôn”. Vẫn biết rằng thiếu nguồn vốn thì khó có thể nói mạnh chuyện đầu tư, nhưng vấn đề ở đây có lẽ cũng không chỉ ở chuyện tiền, mà còn cần phải đổi mới về nhận thức, cách tiếp cận cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Thúc đẩy các nguồn lực về khoa học công nghệ chính là để nâng cao tính cạnh tranh và tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Việc đổi mới hoạt động khoa học công nghệ phải được xem là khâu then chốt, là giải pháp trọng yếu để thực hiện tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp. Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia về công nghệ cao đến năm 2020. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những đột phá mạnh mẽ hơn trong cách nghĩ, cách làm; các cấp, ngành chức năng sẽ tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch nhằm tiến tới phát triển nền nông nghiệp ngày càng bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.