(HNM) - Thiếu nhân lực trình độ cao, cơ sở vật chất hạn chế, kinh phí đầu tư thiếu tập trung... là những gì dễ nhận thấy khi đề cập đến hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) ở địa phương. Hệ quả của tình trạng này là tác động của KHCN đối với tăng trưởng kinh tế, xã hội chưa nhiều.
Con số biết nói
TS Hồ Ngọc Luật, Trưởng ban KHCN địa phương (Bộ KHCN) cho biết: Số cán bộ quản lý Nhà nước về KHCN ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là hơn 4.100 người. Ngoài ra, ở các địa phương cũng có tới 1.260 tổ chức KHCN. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là sự phân bố nhân lực KHCN trình độ cao giữa các vùng, miền có sự chênh lệch rất lớn. Những khu vực cần nhiều "chất xám" để phát triển như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ... lại hầu như ít có sự xuất hiện thường trực các nhà khoa học. Hầu hết các tổ chức KHCN ở địa phương chỉ có dưới 10 cán bộ biên chế, hầu như không có cán bộ trình độ trên ĐH.
Sử dụng máy rađa nhằm phát hiện những ẩn họa trong lòng đất tại TT Nghiên cứu phòng trừ mối ( Viện Khoa học Thủy lợi). Ảnh: TTXVN |
Có thể thấy rõ nhất là tiềm lực KHCN địa phương còn hạn chế qua việc phát triển của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN. Theo Bộ KHCN, đã có 60/63 tỉnh có các trung tâm này, nhưng có đến 43,3% số đơn vị chưa có trụ sở chính thức. Giá trị tài sản trang thiết bị của mỗi trung tâm trung bình chỉ vào khoảng 1,9 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Long, Phó giám đốc Sở KHCN Quảng Ninh thừa nhận: Hoạt động KHCN trên địa bàn thời gian qua chưa đáp ứng được mục tiêu CNH, HĐH vào năm 2015. Sự vào cuộc của Hội đồng KHCN cấp tỉnh, cấp cơ sở đối với những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội chưa hiệu quả và mang nặng tính hình thức.
Bài toán chưa có lời giải
Mặc dù tiềm lực của các tổ chức KHCN ở địa phương còn yếu nhưng có thực tế là hoạt động của các đơn vị này chưa được quan tâm đúng mức, ngay cả khi đã được trung ương bố trí kinh phí cho các dự án đầu tư phát triển (ĐTPT). Nguồn kinh phí này khi về đến địa phương, vì nhiều lý do khác nhau đã không được sử dụng đúng mục đích, đúng số lượng được phân bổ.
TS Hồ Ngọc Luật cho biết thêm: Hiện chỉ có vài tỉnh như Vĩnh Phúc, Nghệ An và Hà Tĩnh gần như đã bố trí đủ 2% tổng chi ngân sách địa phương dành cho KHCN theo đúng quy định. Đa số tỉnh, thành phố còn lại không trích đủ 2%, hầu hết mới dành dưới 1%, thậm chí có tỉnh chỉ dành 0,2% tổng chi ngân sách, tức là ít hơn 10 lần so với quy định chi ngân sách dành cho KHCN. Trong khi đó, từ năm 2000 đến nay, Quốc hội và Chính phủ luôn duy trì tổng chi ngân sách ở mức 2% cho KHCN và trong tổng số 2% trên, khoảng 40-45% được dành cho ĐTPT. Tuy nhiên, chính các địa phương đã không sử dụng đúng mục đích nguồn tiền này.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có các trung tâm khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm - ngư và trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về sự dàn trải, cát cứ, trùng lắp trong việc chuyển giao tiến bộ kĩ thuật xuống cơ sở, mà trực tiếp là hướng đến doanh nghiệp, người dân. Nhưng cảnh báo cũng chỉ dừng trên bàn hội nghị khi ngành nào cũng muốn giữ thế độc quyền, xây dựng một hệ thống ngành dọc mà ít có tiếng nói đồng thuận trong quá trình thực thi nhiệm vụ vì mục đích chung là phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Một số nơi như Hà Tĩnh, Bắc Giang sớm nhận thức được bất cập này và đã "gom" các đơn vị trên vào một đầu mối. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này không chỉ phụ thuộc vào ý chí của riêng ngành KHCN...
Ngoài ra, Nhà nước đã bố trí cán bộ chuyên trách KHCN cho cấp huyện, thị xã, quận nhưng việc triển khai khá khó khăn, do thiếu nhân lực và cũng do cách thức triển khai không thống nhất ở nhiều địa phương. Ngay như tại Hà Nội, đến nay mới có 15/29 quận, huyện, thị xã trực thuộc cử cán bộ chuyên trách về KHCN. Theo chỉ đạo của thành phố, trong giai đoạn 2009-2010, hoạt động KHCN cấp quận, huyện sẽ chú trọng việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000 xuống cấp xã, phường; triển khai các dự án đưa tiến bộ khoa học, kĩ thuật về các xã ngoại thành, miền núi...
TS Hồ Ngọc Luật cho rằng: Về sự "hụt hơi" của hoạt động KHCN địa phương thì ngoài những yếu tố khách quan còn có lý do bắt nguồn từ sự bất cập trong việc thực thi Luật Ngân sách năm 2002. Cho đến nay, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương gần như chưa tổng hợp được thực trạng đầu tư, hỗ trợ tài chính khác cho hoạt động KHCN địa phương. Năm 2009, các tỉnh mới sử dụng hết khoảng 41% vốn ĐTPT chi cho KHCN...
Rõ ràng là hoạt động KHCN địa phương đang đứng trước bài toán không dễ có lời giải trong thời gian ngắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.