Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó xác định xu hướng tăng, giảm hồ sơ thi đại học

Vietnam+| 21/04/2011 16:14

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 21/4 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại các trường đại học, cao đẳng của thí sinh.


Thời điểm này năm 2010, lượng hồ sơ dự thi của thí sinh đã giảm rõ rệt trên cả nước so với năm 2009.


Hồ sơ bàn giao cho các trường đại học, cao đẳng của
Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc năm 2010. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Tuy nhiên, năm nay, thông tin ghi nhận từ các sở giáo dục đào tạo và các trường đại học cho thấy khó xác định được xu hướng thay đổi của lượng hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng do nơi tăng, nơi giảm.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Văn phòng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết ngày 20/4, đơn vị này đã thu được 23.000 bộ hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tự do khu vực, tăng trên 2.000 bộ so với năm 2010.

Tại Quảng Trị, lượng hồ sơ cũng tăng khoảng 500 bộ so với năm ngoái. Theo ông Đào Văn Diệp, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh này, toàn tỉnh có khoảng 21.000 hồ sơ, trong đó chủ yếu thí sinh dự thi khối A vào các ngành kinh tế. Tuy nhiên, trên 30% trong số này dự thi vào hệ cao đẳng.

Lượng hồ sơ thu được tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tăng khoảng 1.000 bộ so với năm 2010.

Tại Đại học Hà Nội, theo thầy Lê Quốc Hạnh, Trưởng Phòng Đào tạo, đến thời điểm này trường đã nhận được khoảng 1.100 hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, ước tính tăng khoảng 15% so với năm 2010. Là trường truyền thống về đào tạo ngoại ngữ nên khối thi chủ yếu vào trường là khối D1. Tuy nhiên, ngành hút thí sinh nhất lại là Quản trị kinh doanh.

Tỷ lệ hồ sơ dự thi mà Đại học Quảng Nam thu được còn có tốc độ tăng chóng mặt hơn, gấp đôi năm ngoái, từ 1.500 bộ lên 3.000 bộ. Điểm thú vị là đa số thí sinh “ứng cử” vào các ngành sư phạm như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn… Trong nhiều năm gần đây, các ngành sư phạm luôn rơi vào tình trạng khó tuyển sinh, điểm đầu vào thấp. Vì thế, việc thí sinh Quảng Nam đầu quân nhiều vào ngành này là một sự khác biệt. Theo ông Nguyễn Bá Hòa, Trưởng phòng Đào tạo, Trưởng Ban thư ký tuyển sinh của Đại học Quảng Nam, nguyên nhân là do đời sống của người dân ở đây còn nghèo, trong khi học sư phạm không mất tiền học phí.

Khác với các tỉnh trên, lượng hồ sơ tại tỉnh Hưng Yên lại giảm khoảng 5.000 bộ. Ông Lương Cao Thành, Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cho hay, toàn tỉnh có khoảng 35.000 hồ sơ. Con số này năm 2010 là 40.000 bộ.

Tại Hà Nội, ghi nhận ở nhiều điểm thu cũng cho thấy lượng hồ sơ giảm. Số hồ sơ thu được của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Từ Liêm giảm 70%, từ 1.000 bộ xuống khoảng 300 bộ; Phòng giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm cũng giảm từ hơn 300 bộ năm 2010 xuống còn hơn 250 bộ.

Theo lịch công tác tuyển sinh, sáng ngày 5/5/2011, các cơ sở giáo dục và đào tạo phía Bắc sẽ bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của tỉnh mình cho các trường. Việc bàn giao hồ sơ của các địa phương ở phía Nam sẽ diễn ra vào sáng ngày 7/5.

Như vậy, sau ngày 7/5, các trường sẽ biết được tổng số hồ sơ đăng ký dự thi và tính được tỷ lệ “chọi”. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số tỷ lệ “chọi” thực tế vì có nhiều thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào các trường khác nhau, đến ngày thi chỉ chọn một trường, tạo nên hiện tượng hồ sơ ảo. Năm 2010, tỷ lệ thí sinh đến dự thi đạt khoảng 75%, còn lại 25% là hồ sơ ảo.

Để tránh các sai sót, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo quản lý, bảo vệ hồ sơ cần có phương án đề phòng và xử lý kịp thời các sự cố như hỏa hoạn, thiên tai, thực hiện đúng quy trình nhập dữ liệu theo cấu trúc của chương trình phần mềm máy tính tuyển sinh 2011, kiểm dò kỹ trước khi sao đĩa dữ liệu hồ sơ đăng ký dự thi để bàn giao cho các trường.

Khi bàn giao, tuyệt đối không để mất mát, thất lạc, nhầm lẫn, sai lệch. Để việc bàn giao được thuận tiện, Bộ yêu cầu các sở cần tập hợp hồ sơ tại điểm bàn giao từ chiều ngày hôm trước./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó xác định xu hướng tăng, giảm hồ sơ thi đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.