Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khổ vì thủ tục nhận tiền bảo hiểm

Dung Nhi - Nguyễn Hoàng| 05/05/2011 06:36

(HNM) - Theo Luật Bảo hiểm của Malaysia, người lao động bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong sẽ được bồi thường từ 23.000 - 25.000 RM/người (tương đương 175 triệu - 200 triệu đồng Việt Nam)… Trong thực tế, nhiều gia đình có người thân bị tử vong tại Malaysia từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được nhận khoản bảo hiểm này cũng như sự hỗ trợ của doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.

Nhiều lao động Việt Nam tại Malaysia bị tai nạn lao động vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm theo đúng quy định.


Một số gia đình có người thân đi lao động và bị tử vong tại Malaysia đã có đơn yêu cầu các cơ quan chức năng của Việt Nam can thiệp đòi quyền lợi được hưởng. Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, từ năm 2002 đến nay, tỷ lệ các trường hợp được giải quyết chế độ liên quan đến bảo hiểm tại Malaysia chỉ đạt 28,5%. Tỷ lệ thấp là bởi có nhiều trường hợp không được bảo hiểm do liên quan đến pháp luật  Malaysia và do một số chủ sử dụng lao động thiếu trách nhiệm hoặc chậm trễ trong việc làm các thủ tục cần thiết để người lao động bị tai nạn được nhận bảo hiểm. Song, nguyên nhân chính vẫn là từ vướng mắc trong thủ tục và sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện Việt Nam với phía Malaysia.

Trong nhiều trường hợp, phía đối tác Malaysia không có đủ thông tin về gia đình hoặc người thụ hưởng liên quan dù cơ quan lao động đã có thông báo tới đại sứ quán, nên chưa thể hoàn tất hồ sơ. Đôi khi, hồ sơ từ phía Malaysia chuyển cho đại sứ quán lại không đề cập đến các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam (nơi nắm giữ thông tin về người lao động), mà luật pháp Malaysia lại không công nhận tư cách pháp nhân của các công ty môi giới cả trong và ngoài nước trong lĩnh vực tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại nước họ. Điều đó cũng gây khó cho việc chi trả bảo hiểm.

Ông Nguyễn Tiến San, Tham tán, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, sự chậm trễ trong việc xét duyệt hồ sơ chi trả bảo hiểm đã khiến người lao động bị tai nạn và gia đình  bức xúc. Khi nhận được thông tin về các trường hợp thắc mắc về tiền bảo hiểm, Ban Quản lý lao động Việt Nam sẽ có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra, xác minh và làm việc cụ thể với cơ quan lao động Malaysia. Khi có kết luận chính thức về những trường hợp được bảo hiểm, Ban Quản lý sẽ thông báo và hướng dẫn gia đình làm hồ sơ để nhận tiền bảo hiểm.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến San, Luật chi trả bảo hiểm Malaysia còn nhiều điểm chưa rõ ràng về thời gian, quy trình xét duyệt hồ sơ; thủ tục xét duyệt phải qua  nhiều cơ quan nên thời gian từ khi lao động tử vong đến khi séc được trao tới tay người thụ hưởng thường kéo dài nhiều năm. Hiện tại, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia có cán bộ  theo dõi, hướng dẫn chi trả bảo hiểm cho người lao động. Khi nhận được thông tin lao động bị tai nạn, Ban  yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ thực hiện trách nhiệm đối với  lao động bị tai nạn. Họ cũng phối hợp với cơ quan quản lý lao động nước bạn để yêu cầu chủ sử dụng thực thi trách nhiệm đối với người lao động Việt Nam nói chung và lao động tử vong nói riêng, thông báo các trường hợp thuộc diện bảo hiểm; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, gia đình hoàn tất hồ sơ hoặc tư vấn cho gia đình về việc đệ trình hồ sơ để được cấp tiền hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước và cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, theo quy định, doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo cáo trường hợp tử vong cho cơ quan quản lý lao động Việt Nam trong và ngoài nước với đầy đủ các thông tin cần thiết; yêu cầu chủ sử dụng làm các thủ tục về bảo hiểm đối với các trường hợp được nhận bảo hiểm theo luật định. Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm giúp gia đình hoàn thành thủ tục nhận tiền hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (10 triệu đồng) hay đòi bảo hiểm chi trả (nếu có).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khổ vì thủ tục nhận tiền bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.