(HNM) - Sau 20 năm định cư tại đất giãn dân, gần 90 hộ gia đình vẫn chưa được thừa nhận quyền sử dụng đất; nhà ở không có địa chỉ, hàng nghìn con người sinh ra, lớn lên tại đây không được nhập hộ khẩu thường trú... gây khó khăn trong cuộc sống chỉ vì một dự án "treo".
Năm 1991, 7,2ha đất canh tác trồng hoa của Hợp tác xã Hoa rau Vĩnh Phúc đã được thu hồi để xây dựng quỹ nhà tái định cư cho thành phố (nay là chung cư 7,2ha Vĩnh Phúc). Sau khi thu hồi, còn lại một phần đất xen kẹt giữa diện tích quy hoạch và khu dân cư, hợp tác xã đã chia cho 47 hộ xã viên để giãn dân, giãn hộ. Do không còn đất canh tác, hợp tác xã đã giải thể và năm 1992, tổ dân phố số 2 cụm 16, phường Cống Vị ra đời.
Những ngôi nhà không số nằm trong khu quy hoạch. |
Theo thông báo của UBND phường Cống Vị, năm 2004, các hộ thuộc tổ 2 đã làm hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định của pháp luật. Do có sự chia tách địa giới hành chính, năm 2005, tổ dân phố này được chuyển sang phường Vĩnh Phúc quản lý, trở thành tổ dân phố số 50, khu dân cư số 5. Cũng do có sự chuyển đổi, năm 2007, UBND phường Vĩnh Phúc yêu cầu các hộ làm lại hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ để phường Vĩnh Phúc làm thủ tục. Thế nhưng, ngày 5-9-2007, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Ba Đình đã có công văn số 265 nêu rõ: "Vị trí khu đất các hộ dân tổ 50 khu dân cư số 5 phường Vĩnh Phúc xin cấp GCNQSDĐ nằm trong quy hoạch dự kiến mở đường 13m, 17m và xây dựng chợ". Chính vì vậy, việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân phải tạm dừng, chờ ban quản lý dự án làm rõ về quy hoạch. Từ đó đến nay, hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của hầu hết các hộ gia đình tiếp tục nằm chờ… để chính quyền làm rõ quy hoạch đã được vẽ từ nhiều năm trước.
Cùng với việc không được thừa nhận quyền sử dụng đất cho dù đã sinh sống ổn định 20 năm, người dân tổ 50 còn không được thừa nhận về mặt quản lý nhân khẩu. Mặc dù vẫn chịu sự quản lý của chính quyền phường, thực hiện các nghĩa vụ công dân đối với địa phương, song 20 năm qua, người dân ở đây vẫn chỉ được xét hưởng diện cư trú KT2, không được nhập hộ khẩu thường trú. Từ 47 hộ gia đình trước kia, hiện tại khu dân cư đã phát triển thành 90 hộ, hàng nghìn nhân khẩu, nhưng vẫn chỉ là những người "ăn đậu ở nhờ". Vì là KT2, tất cả trẻ em sinh ra và lớn lên tại đây khi đi học tại các trường học trên địa bàn, vẫn thuộc diện trái tuyến. Việc xác minh lý lịch, giấy tờ luôn gặp khó khăn do có sự khác biệt giữa nơi cư trú và nơi quản lý nhân khẩu. Gần đây nhất, con gái của ông Lại Xuân Đài cần xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn, nhưng UBND phường Vĩnh Phúc từ chối xác nhận đối với công dân KT2. Đến UBND phường Ngọc Khánh, là nơi gia đình sinh sống và có hộ khẩu thường trú trước đây thì cũng bị chối từ, với lý do: Gia đình đã chuyển đến sinh sống tại phường Vĩnh Phúc 20 năm nay, không còn chịu sự quản lý của phường Ngọc Khánh. Do đó, phường Ngọc Khánh không quản lý được tình trạng hôn nhân, nên không thể xác nhận hồ sơ… Những ngôi nhà họ sống cũng không được đánh số, đặt tên. Một số hộ ở sát ngách 35, ngõ 462, đường Bưởi thì nhìn theo số nhà trước đó tự gắn biển, ghi số cho ngôi nhà của mình. Những hộ ở sâu bên trong, tiếp giáp với khu chung cư cao tầng chẳng biết căn cứ vào đâu, đành chịu cảnh nhà không số, ngõ không tên.
Sau 20 năm, những phần đất dự kiến làm đường đã bị lấn chiếm để xây dựng nhà kiên cố. Lối đi giữa nhà G1 khu chung cư 7,2ha và tổ dân phố 50 đáng lẽ là một con đường, nay xe máy, ô tô đều phải đi lại trên vỉa hè nhà G1, làm sụt lún toàn bộ vỉa hè và hệ thống thoát nước… Ngay cả phần diện tích nhà dân nằm ngoài chỉ giới làm đường cũng không được thừa nhận là đất ở, trong khi dân đã sinh sống ổn định 20 năm nay. Theo các ông Đoàn Vũ Chẩn, Tổ trưởng tổ Đảng và Lại Xuân Đài, Tổ trưởng tổ dân phố, nghịch lý còn ở chỗ trong khi đại đa số người dân chịu cảnh thiệt thòi như nêu trên, thì một số hộ gia đình (nằm ở các vị trí xen kẽ khác nhau trong khu dân cư) vẫn được cấp GCNQSDĐ, được nhập hộ khẩu, được thừa nhận là "công dân loại 1" của địa phương?
Về vấn đề này, UBND phường Vĩnh Phúc đã lập danh sách các hộ dân đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ gồm 19 hộ gia đình và 47 hộ dân nằm trong quy hoạch mở đường để tiến hành thủ tục theo quyền lợi của các hộ dân. Tuy nhiên, bản danh sách đó còn thiếu 21 hộ gia đình không được "xếp loại". Điều này cho thấy, người dân tổ 50 phường Vĩnh Phúc không chỉ bị khổ bởi một dự án quy hoạch treo, mà còn chịu thiệt thòi bởi chính sách thiếu thống nhất của chính quyền địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.