Vật liệu xây dựng (VLXD) không nung được sử dụng khá phổ biến trên thế giới. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia tỷ lệ sử dụng VLXD không nung chiếm 80%. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc sử dụng VLXD bằng đất sét nung vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Việc phát triển vật liệu không nung tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Cao Cường |
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu sử dụng VLXD từ năm 2015 đến 2020 tương ứng từ 24 đến 33 tỷ viên gạch quy tiêu chuẩn. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch từ đất sét nung, tiêu tốn 1,5 triệu mét khối đất, tương đương diện tích 75ha với độ sâu khai thác 2m; 150 nghìn tấn than đốt lò nung, đồng thời thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm, ước tính mất 50 triệu mét khối đất sét, tương đương diện tích 2.500ha, 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2.
Trong khi đó, nếu phát triển VLXD không nung, không chỉ tiết kiệm than đá, bảo vệ diện tích đất trồng lúa, mà còn có thể tận dụng một số nguồn phát thải như tro xỉ nhà máy nhiệt điện để sản xuất vật liệu. Về hiệu quả sử dụng, so sánh công suất xây dựng cho thấy, với gạch nung một thợ xây được 1m2/giờ, trong khi gạch block bê tông là 3m2/giờ và tấm panel xi măng được 6m2/giờ. So sánh chi phí hoàn thiện, 1m2 tường bằng tấm panel xi măng chỉ mất 165.000 đồng, trong khi bằng gạch nung mất 280.000 đồng.
Hiệu quả sử dụng VLXD không nung khá rõ nhưng thực tế phát triển VLXD không nung chưa như mong muốn. Tại Hà Nội, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch xây dựng 18 nhà máy gạch không nung, công suất mỗi nhà máy 20-70 triệu viên/năm, song đến nay hầu hết chưa có dự án đầu tư. Trong khi gạch bê tông cốt liệu mới có 1 cơ sở, công suất 25 triệu viên/năm, tiêu thụ rất khó khăn. Tương tự, dự án gạch bê tông khí, bê tông bọt cũng không bán được.
Theo ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, VLXD không nung được sử dụng trong một số dự án nhà cao tầng chủ yếu là loại nặng (gạch xi măng cốt liệu đá mạt); loại VLXD không nung nhẹ chưa phổ biến, doanh nghiệp còn cân nhắc khi sử dụng trong công trình nhà ở thương mại cao cấp. Nguyên do là nhiều khu vực nông thôn, việc sản xuất gạch nung được coi như nghề truyền thống, tạo việc làm, thu nhập cho phần lớn người lao động địa phương. Sản phẩm gạch làm ra tương đối đơn giản, được sử dụng rộng rãi do giá thành thấp hơn gạch không nung; đặc biệt, có thể sử dụng cho nhiều loại công trình, với độ bền đã được chứng minh qua thực tế. Ngoài ra, đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều ở Hà Nội nói riêng, khu vực miền Bắc nói chung, ảnh hưởng không ít đến việc sử dụng gạch không nung nhẹ.
Về kỹ thuật, việc sử dụng VLXD không nung cũng đòi hỏi cao hơn gạch đất sét nung, như buộc phải tuân thủ quy trình kỹ thuật và công nhân phải có trình độ nhất định. Việc đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung cần nguồn vốn lớn, quỹ đất rộng, nguồn lao động phải qua đào tạo, vì vậy các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công sau khi chuyển đổi không có điều kiện đầu tư. Điều này dẫn tới số cơ sở sản xuất gạch không nung quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội chưa nhiều, nhưng nguồn cung từ các địa phương về cũng hạn chế do tăng cước phí vận chuyển, nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số nơi, người dân lại tự phát sản xuất và sử dụng gạch nung thủ công sau khi đã được xóa bỏ, để phục vụ tại chỗ, chính quyền địa phương rất khó kiểm soát.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị tăng cường sử dụng VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu kiểm tra, rà soát và xóa bỏ cơ sở sản xuất gạch đất sét nung thủ công trên địa bàn. Từ năm 2010 đến nay, Hà Nội đã xóa 1.751 lò gạch thủ công, cơ bản hoàn thành lộ trình đề ra. Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội ngừng đầu tư dự án sản xuất gạch nung, tập trung phát triển VLXD không nung. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là trong giai đoạn này, VLXD không nung chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường; chưa kể khoảng 30.000 lao động mất việc sau khi xóa lò gạch nung thủ công.
Do đó, Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng cho ban hành lộ trình xóa lò gạch thủ công, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, để phù hợp thực tiễn từng địa phương; đồng thời ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất, sử dụng, thi công VLXD không nung cho các dạng công trình, để có thể áp dụng rộng rãi trong hoạt động xây dựng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.