(HNM) - Thực tế, việc kiểm soát rượu “3 không” (không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phần) đang gặp không ít khó khăn.
Do giá rẻ, nhiều người đã chọn rượu “quê” không rõ nguồn gốc để uống. |
Thói quen nguy hiểm
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại quán cơm bình dân phố Hoa Bằng (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), trên tủ đựng đồ ăn có khá nhiều chai thủy tinh loại 300ml dùng đựng rượu trắng. Chủ quán cho biết, loại rượu có giá thấp nhất là 25.000 đồng/lít và cao nhất 40.000 đồng/lít. Nếu mua uống tại quán giá 2.000 đồng/ly nhỏ. Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của loại rượu này, chủ quán khẳng định: “Rượu quê Bắc Giang, bảo đảm về chất lượng”.
Tương tự, khảo sát tại các quán ăn gần khu vực chợ Ngã Tư Sở (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) cũng có bán đủ loại, từ rượu trắng đến rượu ngâm thuốc, táo mèo, ba kích, mơ… nhưng đều không có nhãn mác. Chủ các quán ăn tiết lộ: Rượu nấu ở Nam Định, nhiều người uống khen ngon. Trong khi đó thực khách tại quán khi được hỏi đã cho biết: “Chúng tôi là khách quen, ngày nào cũng qua đây ăn, uống rượu nhưng chưa thấy bị làm sao!”.
Trực tiếp tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán rượu từ đầu tháng 3 đến nay, ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đa phần rượu sản xuất thủ công đều không có giấy phép. Đáng nói là các cơ sở sản xuất này đều nằm sâu trong khu vực đông dân cư nên rất khó kiểm soát. Thời gian qua, khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít cơ sở pha chế rượu bằng cồn công nghiệp và hương liệu, sau đó cung ứng cho các quán cơm, quán ăn đường phố với giá rẻ.
Những ngày qua, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của Sở Y tế Hà Nội cũng đã phát hiện nhiều quán ăn, nhà hàng kinh doanh rượu không nguồn gốc. Cụ thể, ở nhà hàng 117 phố Nhổn, phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm), tại thời điểm kiểm tra đoàn đã phát hiện 550 lít rượu không rõ nguồn gốc. Chủ nhà hàng cho biết, rượu được lấy ở Thái Bình nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và đoàn kiểm tra đã niêm phong, tịch thu toàn bộ số rượu trên.
Quản chặt việc cấp phép đăng ký kinh doanh
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn quận Thanh Xuân có hơn 300 nhà hàng, quán ăn, trong đó nhiều cơ sở bán rượu "ba không". Tại cuộc họp khẩn của UBND TP Hà Nội bàn các giải pháp phòng chống ngộ độc methanol mới đây, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, việc quản lý các ngành hàng kinh doanh ăn uống, trong đó có mặt hàng rượu mới dừng ở khâu chủ cửa hàng tự đăng ký chứ chưa kiểm soát được chất lượng thực tế của mặt hàng đó.
Trong khi các nước trên thế giới đều rất chú trọng vấn đề đăng ký kinh doanh rượu tại các nhà hàng thì ở nước ta việc này hầu như bỏ ngỏ, bất kỳ cửa hàng bán đồ ăn nào cũng đều ngầm hiểu được bán rượu, dù không ai cấp phép. Từ thực tế trên, Chủ tịch quận Thanh Xuân kiến nghị: Tất cả cửa hàng ăn uống khi đăng ký kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh rượu, kê khai rõ nguồn gốc các loại rượu. Như vậy, khi kiểm tra nếu phát hiện nhà hàng bán loại rượu không đăng ký sẽ tiến hành xử lý. Trong trường hợp loại rượu đã đăng ký gây ngộ độc sẽ dễ truy xuất nguồn gốc, tìm ra nguyên nhân. Nếu không đăng ký kinh doanh rượu mà vẫn bán thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng, cần kiểm soát chặt cả việc sử dụng rượu tại các nhà hàng tổ chức tiệc cưới. Các cơ sở này cũng phải đăng ký kinh doanh rượu, bia với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thời gian tới, ngoài điều tra thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, Sở Y tế cũng đã đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xã, phường, thị trấn tổ chức cho các cửa hàng kinh doanh ăn uống ký cam kết không kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Đồng thời, các địa phương yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh phải công khai nguồn gốc rượu và giấy chứng nhận cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách hàng được biết và tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình những tác hại của việc uống rượu, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác.
Theo Sở Y tế, từ đầu tháng 3 đến nay, toàn thành phố đã kiểm tra gần 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và nhà hàng, quán ăn có bán rượu, trong đó tiêu hủy hơn 1.600 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, thu giữ hơn 50.000 lít rượu và xử phạt các cơ sở vi phạm khoảng 1 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.