(HNM) - Bộ môn Đá cầu của Hà Nội từng có những nhà vô địch thế giới và hiện tại, các vận động viên đang có điều kiện tập luyện rất tốt tại nhà tập luyện mới được nâng cấp trong khuôn viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Tuy nhiên, công tác tuyển chọn, đào tạo đỉnh cao của môn này hiện đang gặp một số khó khăn.
Được sự quan tâm của thành phố, Bộ môn Đá cầu Hà Nội vừa được nhận bàn giao cơ sở tập luyện khang trang, hiện đại sau một năm nâng cấp, sửa chữa. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng bộ môn Đá cầu, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội Đào Thái Hoàng Phúc cho biết: “Các huấn luyện viên và vận động viên đều rất vui mừng khi có được nhà tập luyện hiện đại như vậy. Đây sẽ là tiền đề để đá cầu Hà Nội phát huy điều kiện huấn luyện tốt, gây dựng được các lớp vận động viên theo từng giai đoạn khác nhau”.
Tuy nhiên, ông Đào Thái Hoàng Phúc cũng cho biết, dù có điều kiện tập luyện tốt, nhưng đá cầu Hà Nội không thể “đốt cháy giai đoạn”, nhất là trong bối cảnh lực lượng hiện nay đa phần còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm, tâm lý thi đấu còn hạn chế do ít được thi đấu cọ xát và tập huấn. Trong năm 2022, đá cầu Hà Nội đặt mục tiêu thi đấu thành công tại Giải cúp các câu lạc bộ toàn quốc (từ ngày 23 đến 31-3), Giải vô địch đá cầu bãi biển (tháng 6), Giải vô địch trẻ toàn quốc (tháng 7), Giải vô địch đồng đội (tháng 8), Giải vô địch châu Á (tháng 9) và đặc biệt là Đại hội Thể thao toàn quốc (tháng 11). Khắc phục khó khăn do đang trong giai đoạn trẻ hóa lực lượng, mong mỏi lớn nhất của các nhà chuyên môn là đội được đi tập huấn ở các địa phương có phong trào đá cầu phát triển mạnh, như: Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và Bắc Giang.
Khó khăn rất riêng của đá cầu Hà Nội, đó là bộ môn gặp rất nhiều thách thức trong quá trình tuyển chọn tài năng, cho dù phong trào tập luyện đá cầu phát triển rất mạnh. Giải thích về điều này, ông Đào Thái Hoàng Phúc cho hay, nhiều em ở khu vực nội thành có năng khiếu, nhưng không muốn theo tập lâu dài môn này. Các huấn luyện viên phải trực tiếp đến các huyện, thị xã: Sơn Tây, Sóc Sơn, Đông Anh, Thạch Thất, Ba Vì… để tuyển chọn vận động viên có tố chất phù hợp với môn này từ khi các em còn nhỏ, đưa về Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội để đào tạo từ đầu.
Bù lại, lực lượng kế cận của đá cầu Hà Nội hiện nay có khá nhiều gương mặt giàu triển vọng và yêu nghề. Tiêu biểu là em Nguyễn Đức Chi, vận động viên Hà Nội giành 2 Huy chương vàng năm 2021, tại Giải vô địch cá nhân quốc gia và Giải vô địch quốc gia. Em Nguyễn Đức Chi chia sẻ: “Em sinh năm 1999, tập đá cầu từ năm 2009 khi còn đang học tiểu học, đến năm 2011 thì được vào đội tuyển Hà Nội. Khi ăn, ở, sinh hoạt, tập luyện theo quy trình khép kín tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội, em được rèn tính tự lập, biết chủ động sắp xếp thời gian giữa học văn hóa, sinh hoạt và tập luyện. Em kỳ vọng sẽ cùng đồng đội phát huy tối đa năng lực trong môi trường tập luyện mới, phấn đấu chinh phục các đỉnh cao mới cho đá cầu Thủ đô”.
Rõ ràng, dù đủ điều kiện cơ sở vật chất nhưng yếu tố con người mới quyết định đến thành công của các đội tuyển đá cầu của Hà Nội trong hệ thống thi đấu quốc gia cũng như các giải quốc tế trong thời gian tới. Sẽ cần đến sự kiên nhẫn và quan tâm đầu tư tối đa từ các nhà quản lý trước khi tính đến những thành công trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.