Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó khăn trong thi hành án dân sự

Hà Phong| 14/04/2018 07:31

(HNM) - Dù đã gắn trách nhiệm cá nhân của từng chấp hành viên, trách nhiệm của chi cục trưởng về kết quả đôn đốc, tổ chức thi hành án hằng tháng, hằng quý, nhưng những tháng đầu năm 2018, kết quả thi hành án dân sự toàn TP Hà Nội đạt thấp so với cùng kỳ.


Không đạt chỉ tiêu

Trong 5 tháng đầu năm 2018 (tính từ tháng 10-2017 đến hết tháng 2-2018), kết quả thi hành án dân sự của toàn TP Hà Nội còn thấp. Cụ thể, về việc đạt tỷ lệ 43%; về tiền đạt tỷ lệ 5,8%. Một trong những nguyên nhân chính là số việc thụ lý mới tăng gần 14%, số tiền thụ lý mới tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm Phạm Ngọc Dũng cho biết, mỗi năm Chi cục Thi hành án dân sự quận thụ lý giải quyết trên 1.000 việc, tăng khoảng 11% về việc, 12% về tiền. Khối lượng công việc tăng nhưng biên chế không tăng là một trong những khó khăn, thách thức không nhỏ. Không những vậy, theo ông Phạm Ngọc Dũng, trụ sở của chi cục vẫn đang đi mượn cũng ảnh hưởng đến điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ.  

Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tổ chức cưỡng chế thi hành án trên địa bàn huyện Đông Anh.


Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chương Mỹ, Thanh Trì cũng cho biết, đội ngũ chấp hành viên thiếu là một trong các nguyên nhân chính khiến không ít đơn vị chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, quy định của pháp luật lại đang có những kẽ hở gây khó cho các chấp hành viên như việc có đối tượng liên tục mang thai để "né" thi hành án. Điển hình là tại huyện Thanh Trì, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1976) can tội môi giới mại dâm, án phạt 45 tháng tù từ năm 2013. Tuy nhiên, đối tượng đã được hoãn 2 lần thi hành án vì lý do nuôi con nhỏ, khi con đủ 36 tháng tuổi thì bỏ trốn. Lợi dụng chính sách khoan hồng của Nhà nước, đến nay, khi Hằng trở về lại tiếp tục mang thai.

Chưa hết, công tác bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là giải pháp giúp giảm số vụ việc tồn đọng ở cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp tài sản đã bán đấu giá thành nhưng không bàn giao được do có tranh chấp, chống đối quyết liệt của người đang quản lý tài sản. Đây là vấn đề không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác đều vấp phải nhưng chưa có cơ chế giải quyết triệt để. Việc này khiến người trúng đấu giá rất bức xúc.

Cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết, những phản ánh nêu trên là có cơ sở. Không chỉ gặp khó với những vụ án nhỏ, tại Hà Nội còn có nhiều vụ án tham nhũng hoặc án tín dụng ngân hàng với số tiền phải thi hành án rất lớn nhưng điều kiện của người phải thi hành án bất cân xứng. Cụ thể, vụ Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nam Hà Nội bị tòa tuyên buộc liên đới bồi thường gần 1.400 tỷ đồng, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội chỉ thu hồi được hơn 1 tỷ đồng từ việc xử lý tài sản kê biên là ô tô và sổ tiết kiệm. Theo chế độ báo cáo của Luật Thi hành án dân sự quy định, các vụ việc như vậy, cơ quan thi hành án dân sự vẫn phải đưa số tiền gần 1.400 tỷ đồng vào diện có điều kiện thi hành là chưa phù hợp thực tế.

Liên quan quy định ủy thác thi hành án dân sự, hiện nay tuy đã có văn bản hướng dẫn về vấn đề này nhưng thực tiễn vẫn vướng mắc. Trong những vụ án lớn, tài sản phải thi hành có liên quan đến nhiều địa phương mà nếu cứ tuần tự xử lý hết nơi này đến nơi khác thì việc thi hành án phải kéo dài. Điển hình tại Hà Nội là vụ án tham ô, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương, Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh có số tiền và số tài sản phải thi hành rất lớn nhưng tài sản lại tập trung ở TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa, tại Hà Nội chỉ có 2 tài sản. “Chúng tôi đang tiến hành vụ việc này, mất rất nhiều thời gian”- ông Lê Quang Tiến cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, để giảm tải công việc của chấp hành viên và hạn chế thấp nhất nguy cơ bị thất thoát tài sản, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 cần tiếp tục có những quy định chi tiết theo hướng: Nếu tài sản phải thi hành liên quan đến nhiều địa phương thì các địa phương sẽ phối hợp xử lý tài sản của đối tượng song song, thay vì chờ đến lượt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong thi hành án dân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.