(HNM) - Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) thành phố vừa hoàn tất công tác đánh giá, chấm điểm tại 58 xã trên địa bàn. Qua đó cho thấy dù đã đủ điều kiện để được công nhận xã NTM nhưng ở một số địa phương môi trường vẫn là vấn đề còn nhiều băn khoăn nhất, đòi hỏi nhiều nỗ lực để vượt qua.
Mất điểm vì môi trường
Xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức là địa phương vừa được Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM đánh giá, chấm điểm NTM. Theo đó, tiêu chí môi trường là nội dung bị trừ điểm nhiều nhất (1,6 điểm). Xã Dương Liễu có nghề chế biến nông sản, thực phẩm, trung bình mỗi ngày nhập hàng trăm tấn củ dong riềng về sản xuất và thải ra một lượng lớn nước thải, bã nguyên liệu, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường trên địa bàn xã cũng như vùng lân cận.
Trong khi đó tại huyện Quốc Oai, ông Nguyễn Phú Hảo, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Xuân Trung (xã Yên Sơn) cho biết, khó khăn nhất của địa phương là nước sạch. Hiện nay, mặc dù đa số hộ dân trên địa bàn xã đã có giếng khoan và bể trữ nước mưa để sinh hoạt nhưng đó mới là nước hợp vệ sinh chưa phải nước sạch. Trên địa bàn xã có đường ống nước sạch sông Đà chạy qua nên người dân kiến nghị thành phố đấu nối cho nhân dân được sử dụng nước sạch.
Theo đánh giá của Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM, trong số 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM thì môi trường là khó thực hiện nhất. Theo hướng dẫn chấm điểm số 456 của TP Hà Nội, với thang điểm 100, tiêu chí môi trường chiếm 10 điểm được phân thành các chỉ tiêu: Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động làm suy giảm môi trường và có hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải và nước thải được thu gom và xử lý theo quy định… Tuy nhiên, qua chấm điểm NTM, hầu hết các xã đều không đạt điểm tối đa.
Ông Lê Thiết Cương, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM thành phố nhận định: Dù đời sống nhân dân các xã đã được nâng cao nhưng môi trường vẫn là vấn đề còn nhiều băn khoăn nhất, Tổ công tác trừ điểm với tiêu chí này để các xã tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng NTM.
Thêm các tiêu chí phụ
Cùng với tiêu chí môi trường, một số tiêu chí khác cũng bị trừ điểm như: Cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, trường học, môi trường, hình thức tổ chức sản xuất. Ông Nguyễn Văn Bốc, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Đa (xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất) cho biết, căn cứ vào hướng dẫn chấm điểm NTM thì tiêu chí thủy lợi ở xã cơ bản hoàn thành nhưng do địa hình đất đai đồi gò, dộc trũng nên tưới tiêu khó khăn. Do vậy, thủy lợi nội đồng cần tiếp tục được cứng hóa để tiết kiệm nước tưới cho nông nghiệp. Hay tại xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên), hệ thống trường học cả ba cấp đều chưa đạt chuẩn theo quy định nên bị điểm “liệt” (0 điểm) và không đủ tiêu chí để xét công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Hiện thành phố đã hoàn thành chấm điểm tại 58 xã trong đó có 4 xã không đạt đủ số điểm theo quy định là: Tuy Lai (Mỹ Đức), Phú Yên (Phú Xuyên), Tự Lập (Mê Linh) và Dục Tú (Đông Anh) do không đạt đủ 95/100 điểm và có tiêu chí bị điểm 0. Ông Lê Thiết Cương cho biết: Xây dựng NTM là chương trình lâu dài với mục đích là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do đó các xã cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, để người dân thực sự được hưởng lợi từ NTM. Ngoài chấm điểm theo 19 tiêu chí, TP Hà Nội còn đặt ra thêm 2 chỉ tiêu là không nợ vốn xây dựng cơ bản và phải hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Hai tiêu chí này sẽ được Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM thành phố đối chiếu hồ sơ và quyết định đối với từng xã. Như vậy, nếu các xã có hoàn thành 19 tiêu chí nhưng 2 chỉ tiêu thêm chưa hoàn thành thì cũng sẽ không được công nhận xã NTM.
Đối với khó khăn, hạn chế của các địa phương, ông Cương cho biết ngoài những công việc mà các cấp chính quyền cần triển khai thực hiện còn rất cần sự vào cuộc của cộng đồng dân cư trong việc tích cực tham gia làm tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn làng quê xanh, sạch, đẹp và đẩy mạnh sản xuất để tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo, giữ gìn an ninh trật tự…
Tiêu chí môi trường gồm 5 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.