(HNM) - Liên tiếp trong những ngày qua, dịch cúm gia cầm (DCGC) A/H5N1 bùng phát tại nhiều tỉnh phía Nam. Đặc biệt, ngay cả chim yến sống cũng bị nhiễm, gây hoang mang cho người dân lẫn các hộ nuôi.
Một hộ nuôi chim yến tự phát tại Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). |
Tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao
Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, thành phố chưa phát hiện gia cầm chết vì nhiễm vi rút H5N1. Tuy nhiên, nhiều địa phương bao quanh thành phố đã có dịch khiến ngành chức năng không khỏi lo lắng. Cụ thể, ở phía bắc - tỉnh Ninh Thuận, Cơ quan thú y vùng 6 đã khẳng định chim yến nuôi bị chết ở 2 cơ sở nuôi lớn thuộc TP Phan Rang - Tháp Chàm dương tính với H5N1. Đây là lần đầu tiên thế giới phát hiện chim yến nhiễm H5N1, khiến ngành chức năng giật mình và hàng nghìn hộ dân nuôi yến phía Nam cũng như TP Hồ Chí Minh "đứng ngồi trên lửa" bởi nguy cơ phát tán vi rút từ chim trời rất cao, không giống như với gà, vịt dễ dàng khoanh vùng tiêu hủy. Chưa hết, vài ngày sau khi chim yến chết, tỉnh Ninh Thuận vừa phải tiêu hủy 2.000 con vịt tại huyện Ninh Sơn vì nhiễm vi rút cúm A/H5N1. Nếu không tính hai ổ dịch chim yến nuôi vừa phát hiện, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Ninh Thuận xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm nuôi.
Không dừng lại ở đó, ở phía nam của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang ngày 16-4 vừa phát hiện thêm trường hợp gia cầm bị chết tại một hộ chăn nuôi ở huyện Cái Bè. Ngành thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm và tiêu hủy toàn bộ đàn với 740 con.
Không chỉ cúm gia cầm "bao vây" xung quanh, theo Chi cục Thú y TP, thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển gia cầm "lậu" vào TP cũng tăng vọt. Cụ thể, từ ngày 10 đến 19-4, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện tới trên 100 vụ vận chuyển gia súc gia cầm lậu, tăng hơn 20 vụ so với tuần trước.
Phòng, chống H5N1 trên chim yến: Vùng trắng!
Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6, dù "sống chung" với DCGC từ nhiều năm nay nhưng kinh nghiệm phòng, chống của cơ quan chức năng chỉ mới dừng lại ở gà, vịt, lợn chứ với chim yến thì hoàn toàn chưa có. Đến giờ này, với chim yến, Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ biết áp dụng các biện pháp thông thường như tiêu độc khử trùng và khống chế không cho lây lan chứ chưa hề có vắc xin để phòng chống.
Sự thật trên khiến ngành chức năng "giật mình". Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có trên 300 nhà nuôi yến, tập trung nhiều nhất trên địa bàn huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9, quận 2, quận 7, quận 12, Thủ Đức… Tuy nhiên, đến nay thành phố mới chỉ cấp phép cho 10 nhà nuôi yến thuộc đề án thí điểm nuôi chim yến tại huyện Cần Giờ, còn lại đều xây dựng tự phát. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Huỳnh Tấn Phát, với tình thế trên, nếu xảy ra dịch thì để xử lý tiêu hủy 100% số chim trưởng thành, tổ chim, chim non, thực hiện tiêu độc khử trùng toàn bộ nhà yến không dễ dàng. Hơn nữa, tầm hoạt động của chim yến khoảng 200 đến 300km khi tìm thức ăn trong thiên nhiên, việc phát tán mầm bệnh rất khó kiểm soát, trong khi tiêm phòng cho đàn yến không thể thực hiện. Thế nên, trước mắt cơ quan chức năng cũng chỉ "nghĩ" ra giải pháp phòng, chống là tăng cường giám sát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp chim yến bệnh, chết và giám sát định kỳ nhằm cảnh báo nguy cơ dịch bệnh.
TS.BS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều quan trọng hiện nay là việc sản xuất vắc xin phòng, chống vi rút cúm A/H5N1 trên chim yến. Nếu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà không có thuốc sẽ rất khó để kiểm soát. Nhưng nước ta là nước đầu tiên phát hiện chim yến nhiễm H5N1 nên muốn nghiên cứu hay sản xuất vắc xin không hề đơn giản, chưa kể chúng ta còn phải gửi chủng gây bệnh đến Tổ chức Y tế thế giới để xem xét.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.