(HNM) - Theo thống kê, số lượng lao động đã qua đào tạo của TP Hồ Chí Minh cao nhất nước, chiếm 70% số lao động trên địa bàn, thế nhưng thị trường lao động thành phố vẫn phải đứng trước nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến vào cuối năm nay.
Đây là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo "AEC: Cơ hội và thách thức cho thị trường lao động TP Hồ Chí Minh" do Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số lượng việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Việt Nam chiếm tới 15% tổng lực lượng lao động 300 triệu người của AEC, là một trong những nước được hưởng lợi nhiều từ việc tham gia AEC. Khi AEC chính thức đi vào hoạt động, có 8 lĩnh vực là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch được 10 nước ASEAN thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của các nước thành viên.
Do vậy lao động của các ngành này được di chuyển tự do. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (chuyên gia, thợ lành nghề) thông thạo ngoại ngữ được di chuyển tự do hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc lao động Việt Nam có nhiều việc làm hơn, nhiều lựa chọn hơn và được tự do di chuyển đi làm việc ở các nước ASEAN. Ngược lại, đây cũng là thách thức bởi lao động các nước khác trong ASEAN cũng được tự do di chuyển.
Gia nhập AEC, cơ hội việc làm nhiều nhưng cạnh tranh cũng gay gắt hơn. |
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh là địa phương lớn nhất cả nước về quy mô đào tạo nguồn nhân lực khi đào tạo khoảng 300.000 lao động mỗi năm. Hiện thành phố có 54 trường đại học, 25 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 12 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 26 trường trung cấp nghề và trên 370 cơ sở dạy nghề.
Nhờ vậy, con số lao động đã qua đào tạo của TP Hồ Chí Minh ngày càng nhiều hơn. Năm 2009, lao động qua đào tạo chiếm 58% lao động của thành phố, năm 2014 con số này là 70% so với bình quân cả nước chỉ có 38%. Chất lượng lao động của thành phố ngày càng chuyển dịch theo hướng công nghiệp dịch vụ, làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh.
Dù vậy, ông Tuấn cũng đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Chính TP Hồ Chí Minh là nơi có quy mô đào tạo lớn nhất nước và cũng là nơi dòng nhân lực chất lượng cao đổ về nhưng chất lượng lao động vẫn còn "khập khiễng" so với các nước trong AEC khi lao động đang làm việc chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm 15,2%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên thang điểm 10, xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng. Khả năng sử dụng tiếng Anh của lao động Việt Nam cũng kém hơn các nước khi chỉ được 5,78 điểm (theo thang điểm 0 - 9), đứng sau Malaysia (6,64), Philippines (6,53), Indonesia (5,97)… Trong nghiên cứu của "Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung", các chuyên gia của ILO và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đánh giá lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường, kỹ năng làm việc nhóm kém. Cùng với đó, nhân sự cao cấp của lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn.
Với góc nhìn của người làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn cho rằng có 3 thách thức lớn của người lao động khi Việt Nam gia nhập AEC là: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). Lý do là vì hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn trọng về lý thuyết mà xem nhẹ thực hành. Bên cạnh đó là tình trạng sính bằng cấp khiến tình trạng thầy nhiều hơn thợ.
Về khả năng ngoại ngữ thì "rất kỳ lạ bởi học sinh Việt Nam học ngoại ngữ nhiều không thua kém nước nào, học từ lớp 1 cho đến hết đại học nhưng trình độ ngoại ngữ vẫn kém", ông Tuấn nói. Còn bà Trương Tứ Muối, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ phát triển kinh tế Chợ Lớn cho biết, gần 100% sinh viên mà trung tâm tuyển dụng trong hai năm qua đều phải mất từ 6 tháng đến 1 năm mới thật sự làm việc được.
Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP Hồ Chí Minh, có thể chưa có xáo trộn lớn trên thị trường lao động trong thời gian gần, bởi trên thực tế còn một số điều kiện khác như thông thạo bản ngữ, đánh giá trình độ, thi chuyên môn bằng bản ngữ, yêu cầu hiểu biết pháp luật… Dù vậy, cần phải chuẩn bị từ bây giờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.