Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó hiểu!

Hải Vân| 24/09/2013 06:09

(HNM) - Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính là một nội dung quan trọng trong công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội.



Thời gian qua, các đơn vị đều đã triển khai việc này, qua đó phát hiện những TTHC chưa hợp lý, đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ cho phù hợp thực tế. Ví dụ Sở Tài chính, từ đầu năm 2012 đến hết 6 tháng năm 2013 đã tham mưu cho UBND TP sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 49 văn bản. Sở Công thương đã rà soát 40 TTHC và đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ 15 TTHC. Huyện Sóc Sơn qua rà soát đã đề nghị hủy bỏ 28 TTHC… Song không phải đơn vị nào cũng coi trọng công tác này. Có đơn vị báo cáo đã rà soát 70-80 TTHC nhưng không có kiến nghị gì. Trong khi đó, chính cán bộ tại đơn vị này thừa nhận có thủ tục còn rườm rà, quy trình giải quyết không rõ ràng, ảnh hưởng đến thời hạn trả kết quả. Điều đáng nói, có cán bộ cấp huyện còn cho rằng nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến công tác CCHC của huyện là bộ TTHC thành phố ban hành chưa ổn định (từ năm 2009 đến nay, thay đổi 3 lần).

Các văn bản liên quan đến công tác CCHC thường nêu rõ, việc rà soát TTHC là nhiệm vụ thường xuyên và các đơn vị có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục. Như vậy, các TTHC sẽ không ngừng thay đổi để phù hợp hơn với từng lĩnh vực, từng thời điểm. Điều đó đồng nghĩa với không thể có bộ TTHC ổn định để thực hiện lâu dài. Đã trải qua các giai đoạn của Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 và 3 năm thực hiện Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát TTHC, Hà Nội cũng từng thành lập phòng kiểm soát TTHC, với các chuyên viên từ các phòng, ban, sở, ngành. Theo đó, phòng đã tổ chức tập huấn công tác rà soát TTHC và trực tiếp hướng dẫn tại nhiều nơi cũng như sẵn sàng tư vấn cho các đơn vị có vướng mắc trong quá trình triển khai. Vậy mà vẫn có tình trạng nhận thức của cán bộ huyện về việc rà soát TTHC và bộ TTHC của thành phố chưa thấu đáo. Thực là điều khó hiểu!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó hiểu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.