(HNM) - Theo công bố của cơ quan chức năng, từ ngày 1-1-2011 cả nước sẽ có hơn 10.300 xe ô tô chở hàng và chở người hết niên hạn sử dụng. Tức là toàn bộ số xe này bắt buộc phải ngừng hoạt động.
Trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện đăng tải rõ danh sách các xe hết niên hạn sử dụng tại các tỉnh, thành phố. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng đã quản lý tốt "đầu vào" thông qua hồ sơ gốc, chứng từ sản xuất, nhập khẩu, xác định năm "khai sinh" từng xe, số khung, số máy...
Nhưng còn "đầu ra" thì sao ? Cũng theo cơ quan chức năng, đến thời điểm này, số lượng xe đã hết niên hạn sử dụng đến làm các thủ tục "khai tử", xóa sổ rất ít (chưa công bố con số cụ thể). Cần chú ý, tới thời điểm này đã là 8 năm chúng ta thực hiện quy định niên hạn sử dụng với xe ô tô. Vậy nhưng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, có một thực tế là các chủ xe ô tô hết niên hạn sử dụng không chịu trình diện, tìm mọi cách biến hóa để cho xe tiếp tục lưu hành hoặc đẩy loại hàng kém phẩm chất này về miền núi, vùng sâu, vùng xa... Trong khi đó, ngoài những thành phố, đô thị lớn, thì lực lượng kiểm tra của cơ quan kiểm định quá mỏng, không có đủ thiết bị kiểm định, kiểm tra, nên việc xử lý nhiều khi "lực bất tòng tâm". Một lý do nữa (nghe khá... quen quen) cũng được nêu ra là mức xử phạt theo quy định của luật không đủ sức răn đe. Cần lưu ý, theo Nghị định 34/CP của Chính phủ, loại vi phạm này phải chịu mức phạt từ 4 triệu đồng tới 6 triệu đồng. "Khung" xử lý như vậy là không hề nhẹ. Tuy nhiên, tạm chưa bàn tới vấn đề đó, mà hãy nhìn vào cái gốc: Tại sao chúng ta chưa quản lý được "đầu ra"? Rõ ràng sau 8 năm thực hiện có rất nhiều vấn đề không mới mà lực lượng chức năng vẫn "bó tay", không đề xuất được những biện pháp hữu hiệu để giải quyết, ngăn chặn có hiệu quả việc xe hết niên hạn sử dụng vẫn có thể lưu thông trên đường. Trách nhiệm đó thuộc về các cơ quan quản lý, về năng lực quản lý, về chức năng tham mưu đề xuất của từng cán bộ...
Hậu quả của xe quá đát lưu thông không ai không rành. Đó là nguy cơ tiềm ẩn của những tai nạn thảm khốc, là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Những hiểm họa ấy xã hội phải gánh chịu. Do đó, như phát biểu của ông Thân Văn Thanh, đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc xe hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông: "Nếu không triệt để xử lý, để xảy ra tai nạn, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan chức năng". Vậy nên, khó cũng phải... quản. Và nếu không quản được tức là không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì cũng không nên... yên vị. Đã 8 năm thực hiện việc loại bỏ xe ô tô hết niên hạn sử dụng, không lẽ cứ mãi phải nghe cơ quan chức năng trình bày điệp khúc... khó quản! Và không riêng trong vấn đề này, các lĩnh vực khác cũng cần phải như vậy để luật pháp được thực thi trong cuộc sống chứ không chỉ thể hiện hiệu quả trên... văn bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.