Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó cũng phải làm

Bạch Thanh| 16/03/2011 07:09

(HNM) - Hà Nội hiện còn chục nghìn hécta đất bãi màu mỡ và hơn 20.000ha đất đồi gò phù hợp trồng cây ăn quả, cung cấp nông sản cho nội thành. Tuy nhiên, những năm qua, hàng chục nghìn tấn quả sản xuất mỗi năm chỉ tiêu thụ được ở các chợ nhỏ, chưa thể chen chân vào siêu thị...


Mới đây, Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất, trong đó chuối an toàn của xã Tự Nhiên (Thường Tín) đang bước những bước đầu tiên vào hệ thống phân phối hiện đại này. Tuy nhiên đây vẫn còn là một câu chuyện dài với trái cây an toàn của Hà Nội.

Làm giàu từ quả an toàn


Trước yêu cầu của cuộc sống, sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam (VietGAP) là hướng đi mới hiện nay. Thời gian qua, người tiêu dùng Thủ đô biết đến sản phẩm chuối an toàn của xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín. Ông Nguyễn Văn Khê, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tự Nhiên cho biết: Toàn xã có 180ha đất bãi thì có tới 2/3 diện tích là trồng chuối. Cây chuối tiêu hồng được trồng ở đây từ năm 2002, chỉ sau một thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả cao. Mỗi sào đất bãi trồng được 80-85 cây chuối, cho lợi nhuận từ 7-8 triệu đồng/năm.

Nhà anh Lê Văn Nguyên (xóm 4), được coi là khá giả nhờ trồng hơn 5ha chuối. Anh cho biết: "Chuối tiêu hồng dễ trồng, dễ chăm sóc, trồng được cả ở đất bãi và đất đồi gò. Bước sang năm thứ hai, chuối cho thu hoạch gấp đôi vì số cây được nhân lên. Với giá bán bình quân khoảng 100.000 đồng/buồng, dịp tết vừa qua, nhà tôi cũng thu được khoảng 300-400 triệu đồng. Cùng với anh Nguyên, nhiều hộ khác như anh Nguyễn Duy Kiên (xóm 2), anh Nguyễn Văn Quyến, anh Lê Văn Quy (xóm 4)… cũng có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm nhờ trồng chuối.

Để khai thác thế mạnh vùng bãi và sản phẩm chuối cho giá trị cao, tháng 10-2010, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã phối hợp với Trạm BVTV huyện Thường Tín triển khai mô hình sản xuất, sơ chế, bảo quản chuối an toàn trên diện tích 10ha của xã Tự Nhiên. Trong đó, điểm nhấn là chuối được rấm trong thùng gỗ, ủ chăn và đốt hương, không dùng hóa chất nên quả vẫn giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên và an toàn. Ông Nguyễn Duy Lộc, Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên cho biết, mô hình trồng chuối, nhất là chuối an toàn đã mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Hướng đi cho quả VietGAP

Sản phẩm chuối an toàn của xã Tự Nhiên đã được cấp thương hiệu, lôgô, nhãn mác đầy đủ và đã được giới thiệu tại một số siêu thị. Tại hội chợ giới thiệu, quảng bá về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, sản phẩm chuối an toàn của xã Tự Nhiên đã được người tiêu dùng đánh giá cao. Ông Nguyễn Văn Khê, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tự Nhiên và là người trực tiếp sản xuất cho biết, bà con rất vui mừng khi sản phẩm của địa phương được công nhận VietGAP. Các hộ tham gia mô hình được cán bộ Trạm BVTV hướng dẫn thực hiện quy trình ghi chép, lưu trữ hồ sơ (từ khâu làm đất, ngày trồng, bón phân, thuốc BVTV, thu hoạch, bảo quản sản phẩm)... Chi cục BVTV Hà Nội đã nhiều lần kiểm tra, lấy mẫu quả ngẫu nhiên để kiểm nghiệm đã đánh giá quả do HTX sản xuất ra bảo đảm chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Khó khăn của HTX hiện nay là con đường đến với các siêu thị chưa thực sự rộng mở, lượng tiêu thụ qua kênh này mới chiếm 10-20% sản phẩm. Đây cũng là hạn chế chung mà các loại quả đặc sản khác của Hà Nội đang triển khai VietGAP như ổi Đông Dư (Gia Lâm), bưởi Diễn, cam Canh (Từ Liêm)… đều đã được ngành nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ xây dựng thương hiệu, có lôgô, nhãn mác nhưng đa phần sản phẩm vẫn phải "tự bơi" ngoài thị trường. Nguyên nhân là ngoài việc người trồng cây ăn quả chưa tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu ghi chép về giống cây, ngày giờ giao hàng, độ đồng đều của quả, bảo quản đóng gói, vận chuyển… thì có những mặt hàng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Thị Hoa cho rằng: Phát triển vùng quả an toàn theo VietGAP là một yêu cầu tất yếu. Để nhân rộng các mô hình này, Chi cục đề nghị UBND TP sớm có chính sách hỗ trợ cho các HTX, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm quả VietGAP; mặt khác, các HTX phải chủ động trong việc giới thiệu sản phẩm rau quả an toàn đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần các cơ quan, đơn vị chức năng hỗ trợ người dân vay vốn, vật tư, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trên quy mô lớn, hướng dẫn quy trình VietGAP, chứng nhận hàng hóa an toàn cho nông dân. Với hàng trăm HTX nông nghiệp hiện có, nếu liên kết được theo mô hình sản xuất VietGAP tự nguyện thì đó là bước đột phá trong nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh và an toàn nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó cũng phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.