(HNM) - Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại và phát triển, điện ảnh Việt Nam đã có một ngày hội cho riêng mình, ngày 15-3 hằng năm đã được cơ quan quản lý chấp thuận là Ngày Điện ảnh Việt Nam. Đó là niềm vui cho tất cả những người làm điện ảnh song cũng đặt lên vai họ yêu cầu cao hơn về nghệ thuật để đáp ứng thị hiếu hiện đại của công chúng. Tuy nhiên...
Có thể nói chưa bao giờ điện ảnh khó khăn như hiện nay. Về nguyên nhân chủ quan, ngành điện ảnh còn thiếu các đạo diễn, biên kịch, diễn viên tài năng để có thể xoay chuyển tình thế hoặc tạo ra bước ngoặt mới cho điện ảnh nước nhà. Song nguyên nhân chủ quan mới là đáng nói. Do tăng thời lượng phát sóng nhưng lại thiếu kinh phí để sản xuất chương trình (trong đó có phim) nên hầu hết các đài truyền hình địa phương đều phải lấp sóng bằng phim. Do nguồn phim trong nước ít ỏi, nên các đài địa phương chủ yếu phát phim nước ngoài. Có một lý do đài địa phương phát thoải mái vì các nhà sản xuất nước ngoài có vẻ như "không chấp" chuyện bản quyền. Và thế là phim Hàn Quốc, Trung Quốc liên tục xuất hiện, từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác. Với các đài lớn như: VTV, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, vì nhiều kênh nên lượng phim tự sản xuất và mua của nước ngoài rất lớn. Không chỉ có vậy, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình cáp không dừng ở những thành phố lớn, bắt đầu mở rộng tầm hoạt động đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Truyền hình cáp còn mua quyền tiếp sóng các kênh phim của nước ngoài như: Cinemax, HBO, StarMove. Phim trên các kênh này đủ thể loại, từ tâm lý xã hội, hành động, kinh dị đến viễn tưởng... thu hút đủ các loại khán giả.
Trong khi cả năm 2009, các hãng tư nhân và quốc doanh chỉ sản xuất được 8 phim truyện nhựa thì số phim nhập lên con số trên 100. Trước đó, năm 2006 số lượng phim nhập ngót nghét 80, năm 2008 là gần 100 phim. Phim truyện nhập của nước ngoài hầu hết là phim Mỹ bao gồm đủ các thể loại. Và tất nhiên, nhà nhập khẩu không thể bỏ qua các bộ phim "bom tấn" vốn thu hút khán giả trên thế giới để chiếu trong nước.
Làm ra một bộ phim đã khó, nhưng phát hành còn gian nan hơn nhiều. Chủ rạp xếp giờ nào, ngày nào, nhà sản xuất cũng phải chấp nhận và nếu bị xếp lịch chiếu vào đầu tuần thì... lèo tèo người xem. Với tỷ lệ ăn chia 50/50 như hiện nay thì các hãng bỏ vốn, công sức cho bên phát hành... "xơi". Đại diện một hãng phim tư nhân lớn cho biết "Tiếng là doanh thu cao nhưng hòa vốn là may vì tiền rạp quá lớn".
Với những khó khăn như vậy thì tự thân ngành điện ảnh không thể vượt qua được. Để điện ảnh trong nước phát triển, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ ngành điện ảnh của nước này bằng cách không đánh thuế doanh thu; giảm tiền thuê đối với các rạp do Nhà nước quản lý. Thậm chí các quỹ văn hóa còn bỏ tiền mua vé để phát không cho khán giả với các phim mang tính nghệ thuật nhưng kén khán giả. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã miễn thuế thu nhập cho nhà đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh để khuyến khích. Với điện ảnh Việt Nam, nếu không có cơ chế thì...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.