Trên đường đi học về, cháu tôi bị một thanh niên điều khiển xe máy gây tai nạn rồi bỏ trốn. Cháu bị thương rất nặng và hiện vẫn trong tình trạng hôn mê. Gia đình tôi đã làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra (CQĐT). Sau đó, CQĐT thông báo là đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do lỗi chính thuộc người bị hại.
Trên đường đi học về, cháu tôi bị một thanh niên điều khiển xe máy gây tai nạn rồi bỏ trốn. Cháu bị thương rất nặng và hiện vẫn trong tình trạng hôn mê. Gia đình tôi đã làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra (CQĐT). Sau đó, CQĐT thông báo là đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do lỗi chính thuộc người bị hại. Vậy, gia đình tôi có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án của CQĐT không và nếu có thì chúng tôi có quyền và nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?
Nguyễn Thị Ngọc Mai (huyện Hoài Đức, Hà Nội)
Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, ĐT: 04.37622619 - 37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
- Theo khoản 2, Điều 108, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, Điều 325, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, nếu gia đình bà có căn cứ cho rằng quyết định không khởi tố vụ án hình sự đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp thì có thể khiếu nại quyết định đó.
Căn cứ Điều 328, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định tại Điều 326, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, cụ thể như sau: 1- Người khiếu nại có quyền: a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại; b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự; c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại; d) Được nhận văn bản trả lời về việc giải quyết khiếu nại; đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 2- Người khiếu nại có nghĩa vụ: a) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó; b) Chấp hành kết quả giải quyết khiếu nại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.