(HNMO) - Chiều 24/10, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án luật khiếu nại đã được tiếp thu, chỉnh lý. Những ý kiến đóng góp chủ yếu xoay quanh phạm vi điều chỉnh của luật, các quy định về khiếu nại đông người, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại.
Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH).
Về phạm vi điều chỉnh, trong báo cáo giải trình, Ủy ban TVQH đề nghị, luật quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước theo hướng: khiếu nại và giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng theo quy định của luật này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam kết kết hoặc tham gia có quy định khác; Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng theo quy định của luật này; Căn cứ vào các quy định của luật này, các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội, xã hội - nghề nghiệp, kinh tế hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về khiếu nại trong cơ quan, tổ chức mình; trường hợp luật khác có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì áp dụng theo quy định của luật đó.
Về khiếu nại nhiều người, Ủy ban đã bổ sung một số quy định về thụ lý các trường hợp khiếu nại nhiều người, trong đó có các hình thức như nhiều người khiếu nại thông qua đơn, nhiều người đến khiếu nại trực tiếp, địa điểm để công dân thực hiện khiếu nại nhiều người và quyết định giải quyết khiếu nại nhiều người. Còn trình tự, thủ tục giải quyết đối với khiếu nại nhiều người vẫn tuân theo trình tự, thủ tục chung như giải quyết đối với từng người.
Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, Ủy ban TVQH đề nghị cần tiếp tục cơ chế giải quyết khiếu nại như quy định của Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành, vì cơ chế này buộc cơ quan, tổ chức mà trước hết là người có quyết định hành chính, hành vi hành chính phải chịu trách nhiệm đến cùng với hoạt động quản lý hành chính của mình, tránh né tránh, đùn đẩy việc giải quyết khiếu nại lên cơ quan cấp trên, đồng thời tạo điều kiện cho họ khắc phục, sửa chữa kịp thời sai phạm.
Tuy nhiên, cơ chế này phải được điều chỉnh về trình tự, thủ tục giải quyết theo hướng công khai, dân chủ, kịp thời hươn nhằm tạo điều kiện cho người khiếu nại như rút ngắn thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu từ 30 ngày xuống còn 15 ngày. Đồng thời, cần sửa đổi trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại nhằm khắc phục những trở ngại đối với người khiếu nại thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết ở cơ quan hành chính.
Mặt khác, cần quy định rõ vai trò của Thanh tra các cấp, các ngành trong việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết khiếu nại, kể cả quyết định giải quyết khiếu nại; thẩm quyền xử lý của Thanh tra trong việc phát hiện vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại để tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác giải quyết khiếu nại có hiệu lực, hiệu quả tốt hơn.
Về khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, Ủy ban TVQH đã bổ sung vào luật quyền khởi kiện tại tòa án đối với cán bộ, công chức có chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống khi bị kỷ luật buộc thôi việc.
Góp ý cho dự án luật, các đại cơ bản đồng tình và đánh giá cao dự án luật đã được Ủy ban TVQH chỉnh lý, tiếp thu. Những ý kiến nghị trường chiều nay chủ yếu tập trung hoàn chỉnh thêm về mặt từ ngữ và kết cấu của dự án luật, cũng như các quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh, khiếu nại đông người và thời hạn khởi kiện.
Về những điểm còn thiếu sót của dự luật, đại biểu Hồ Thị Thùy (Vĩnh Phúc) đề nghị luật nên xem xét thêm việc quy định công dân được quyền khiếu kiện tất cả các văn bản trái pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích của công dân, đồng thời tăng thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung các quy định về thừa kế quyền và nghĩa vụ khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Với các quy định về khiếu nại nhiều người, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng, nên quy định xử lý khiếu nại đông người theo hướng có người đại diện đứng đơn chung nếu chung nội dung khiếu nại. Trường hợp nội dung khiếu nại khác nhau thì làm đơn riêng và xử lý chung theo luật.
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) đề nghị trong trường hợp khiếu nại đông người thì từng người khiếu nại phải có yêu cầu và người có thẩm quyền sẽ ra quyết định giải quyết từng trường hợp.
Theo chương trình, dự luật khiếu nại sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 11/11 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.