Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi xã hội cùng vào cuộc...

Thi Thi| 03/04/2011 07:23

(HNM) - Cuối tháng 3, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng cho 6 dịch giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài trong các lĩnh vực giáo dục, dịch thuật, nghiên cứu, Việt Nam học. Mới đây, kỳ họp thứ 12 Hội đồng LLPB VHNT TƯ (Ban Tuyên giáo TƯ) nêu rõ sẽ khởi động đề án

Mới đây, kỳ họp thứ 12 Hội đồng LLPB VHNT TƯ (Ban Tuyên giáo TƯ) nêu rõ sẽ khởi động đề án "Tặng thưởng, hỗ trợ bài viết, công trình LLPB VHNT" vào giữa năm 2011. Còn Bộ VH,TT&DL đã bắt đầu cụ thể hóa một đề án vừa được Chính phủ phê duyệt về "Chế độ chính sách đối với VHNT, văn nghệ sĩ…"

Bà Nguyễn Thị Bình (phải), nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng “Giáo dục” cho GS Hoàng Tụy. Ảnh: Minh Đức


Các hoạt động này không nằm ngoài mục tiêu thúc đẩy sự phát triển văn hóa - một yếu tố giúp đất nước hội nhập, phát triển bền vững. Song nhìn từ Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh có thể thấy tinh thần chủ động của trí thức và sự vào cuộc của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp lâu dài này.

Một mô hình cần nhân rộng
Nếu tính từ Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh được thành lập năm 2007 với Giải thưởng "Tinh hoa giáo dục quốc tế" thì đến nay, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã có 5 năm liên tục vinh danh những cá nhân xuất sắc trong hoạt động văn hóa. Nửa thập kỷ, còn khá mới mẻ, nhưng thông qua quỹ đến nay đã có 17 nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà văn hóa được vinh danh. Họ đều là những tên tuổi trong giới trí thức Việt Nam như: GS Hoàng Tụy, nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại, học giả Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân… hoặc những trí thức nước ngoài nhiều năm bền bỉ cống hiến cho Việt Nam như: GS Georges Condominas (Pháp), GS Kevin Bowen (Mỹ), GS Ivo Vassiliev (Cộng hòa Séc)…

Hầu hết các tác giả được vinh danh đều ít nhiều bất ngờ và đều thể hiện sự trân trọng với giải thưởng. Trao đổi với Hànộimới, GS Chu Hảo, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, từng nói: Việc xét chọn của Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thực hiện theo cơ chế chặt chẽ (do thành viên Hội đồng hoặc người được giải giới thiệu) và khách quan (có những phát hiện mới thú vị). Năm 2009, quỹ trao giải cho Lê Anh Minh-một dịch giả tự do bắt đầu từ sự phát hiện tình cờ của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Dịch giả Nguyễn Đôn Phước (từng nhiều năm giảng dạy ĐH tại Paris) một người tự nhận mình là "nghiệp dư", nhưng có trong tay một loạt tác phẩm dịch quan trọng về kinh tế học, cũng bày tỏ ông hoàn toàn bất ngờ khi được trao giải. Đây là lần đầu tiên ông được nhận một giải thưởng văn hóa, ghi nhận nỗ lực trong dịch thuật sách kinh tế của mình. Trước đó, trong lời đáp từ nhận giải năm 2009, GS Hồ Ngọc Đại cũng bày tỏ sự ngạc nhiên xúc động sâu sắc khi lần đầu được nhận một giải thưởng động viên những nỗ lực vì sự phát triển giáo dục nước nhà.

Trong giới hạn của một quỹ văn hóa được đóng góp từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng, ít nhất Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã góp phần nói lên tiếng nói tri ân, cổ vũ của xã hội dành cho các trí thức. Bên cạnh đó, bằng việc trao các giải thưởng nghiên cứu Việt Nam học cho các cá nhân người nước ngoài, quỹ cũng đã gửi một thông điệp thể hiện sự trân trọng mối liên hệ chân tình sâu sắc ấy. Trước khi vào TP Hồ Chí Minh nhận Giải Việt Nam học, GS - nhà thơ Kevin Bowen đã có một đêm thơ, ra mắt tập thơ "Khúc hát Thành Cổ Loa" ở Hà Nội với lời nhắn gửi "Không có bài phát biểu nào thể hiện hết được tình cảm của tôi với Việt Nam". Hơn 20 năm nay, người cựu binh Mỹ này không ngừng đóng góp cho các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, và chính ông cũng là người mở đường đưa văn học Việt Nam vào nước Mỹ.

Khi trí thức cùng xã hội vào cuộc
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh nhận được sự đồng thuận của giới trí thức cũng như hết thảy những người Việt quan tâm tới nền văn hóa nước nhà, song không phải không có lúc sóng gió vì khó khăn trong kêu gọi nguồn kinh phí. Trao đổi với Hànộimới sau lễ trao giải năm 2011, Giám đốc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh Nguyễn Trung Dân nói rằng: càng ngày càng có nhiều sự quan tâm, ủng hộ dành cho quỹ. Nói như dịch giả Nguyễn Đôn Phước, Quỹ Phan Châu Trinh là mô hình mới mẻ, rất cần được nhân rộng, thu hút sự vào cuộc chủ động, tích cực của giới trí thức, của xã hội nói chung.

Trong cuộc trao đổi mới đây tại Việt Nam, TS văn học trẻ tuổi của Nhật Bản-Masatsugu Ono khẳng định: Nước Nhật đã có ý thức tiếp nhận từ rất sớm những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, góp phần thúc đẩy phát triển văn học cũng như các lĩnh vực khác của Nhật Bản. Nữ TS văn học trẻ của Việt Nam Nguyễn Thị Từ Huy cũng thẳng thắn bày tỏ: Có rất nhiều tác phẩm về triết học, lý luận văn học, mỹ học… thuộc hệ thống tri thức nền tảng của thế giới đã được dịch ở các nước trong khu vực từ một thế kỷ nay, nhưng ở ta vẫn là khoảng trắng. Còn nhà văn Ngô Tự Lập, nguyên Giám đốc Quỹ Phan Châu Trinh thì từng đau đáu với một "Bản đồ tri thức thế giới", mong chỉ rõ chúng ta đang đứng ở đâu trong quá trình tiếp cận với hệ thống tri thức nền tảng của nhân loại.

Phát huy tinh hoa truyền thống, chắt lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đúng như tinh thần mà Phan Châu Trinh đã từng kêu gọi qua khẩu hiệu "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh" là một sự nghiệp to lớn, lâu dài. Nhưng cũng vì to lớn, lâu dài nên rất cần những đóng góp cụ thể như những gì mà các nhà trí thức và những người quan tâm đến văn hóa nước nhà đang thực hiện thông qua Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi xã hội cùng vào cuộc...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.