(HNM) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) trong nước đã đến 53 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống, hiện các DN đang mở rộng đến các thị trường, như Châu Âu, Mỹ, Australia...
Đặc biệt, trong năm 2011 các DN Việt đã giải ngân vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 950 triệu USD trong tổng số vốn đăng ký 2,12 tỷ USD (có 75 dự án, ở 26 nước, vùng lãnh thổ).
Metfone - một thương hiệu của Viettel đang đầu tư tại Campuchia. |
Tại Lào, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã khá nổi tiếng với nhiều dự án lớn về cao su, mía đường, thủy điện, khai khoáng… với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD. Mới đây, tại hội nghị hợp tác đầu tư Việt - Lào được tổ chức ở Viêng Chăn, tập đoàn này đã ký kết biên bản ghi nhớ 4 dự án lớn với đối tác Lào. Cũng tại Lào, Tập đoàn Viettel là nhà đầu tư nước ngoài thành công nhất trong lĩnh vực viễn thông. Chỉ sau chưa đầy 2 năm đầu tư vào mạng di động Unitel (liên doanh của Viettel và Lao Asia Telecom), nhà mạng này đã trở thành công ty số 1 của Lào cả về thị phần thuê bao cũng như hạ tầng mạng. Nước láng giềng Campuchia cũng là một địa chỉ đầu tư rất thành công của DN Việt Nam ngay trong khủng hoảng kinh tế thế giới. Cũng rót vốn vào đây lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang thời kỳ khốc liệt nhất, Mobifone đã trở thành nhà cung cấp có hạ tầng mạng lớn nhất và chỉ 2 năm sau đã chiếm vị trí số 1 về thị phần thuê bao. Còn Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) lại vươn ra đầu tư nhà máy sản xuất sữa nguyên liệu Miraka tại New Zealand trị giá 90 triệu USD. Vinamilk chiếm 19,3% cổ phần tại nhà máy này (vừa được đưa vào hoạt động). Ngoài các thị trường láng giềng, những DN mạnh của Việt Nam còn tìm kiếm cơ hội ở những nơi rất xa và nghèo khó như Châu Phi, nhất là cả ở nơi vừa xảy ra thảm họa động đất như Haiti (Châu Mỹ). Chỉ tính riêng trong năm 2011, các DN Việt đã giải ngân vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 950 triệu USD trong tổng số vốn đăng ký 2,12 tỷ USD, với 75 dự án ở 26 nước, vùng lãnh thổ. Dẫn đầu trong đầu tư ra nước ngoài trong năm 2011 là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổng số vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài khoảng 347 triệu USD. Tiếp đến là Tập đoàn Viettel, với tổng số vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài khoảng 185 triệu USD; tiếp sau đó là Tập đoàn Sông Đà 161 triệu USD; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai 39 triệu USD. Tuy nhiên, con số này mới chỉ căn cứ trên số liệu báo cáo của các tập đoàn kinh tế và DN nhà nước có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài, mà chưa bao gồm toàn bộ các DN có hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Như vậy, năm 2011 là năm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giải ngân vốn đầu tư nhiều nhất ra nước ngoài. Tổng giải ngân lũy kế đến nay khoảng 2,7 tỷ USD, trong đó một phần đáng kể vốn đầu tư ra nước ngoài được thực hiện trong nước (không chuyển ra nước ngoài).
Cũng có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, có nhất thiết các DN phải đầu tư ra nước ngoài trong điều kiện kinh tế trong nước cũng như thế giới còn nhiều khó khăn? Đại diện một DN cho rằng, thị trường trong nước đã dần trở nên "chật chội", nên đầu tư ra nước ngoài là cần thiết để mở rộng quy mô. Ngoài những ngành nghề truyền thống như công nghiệp năng lượng (dầu khí, điện lực, khai thác khoáng sản...), các ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, lâm nghiệp, nông nghiệp, sản xuất thương mại, truyền thông... cũng bước đầu thâm nhập thị trường nước ngoài. Nhiều DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đã có những kết quả khả quan và đã thu về lợi nhuận đáng kể. Năm 2010 là năm đầu tiên Viettel đầu tư ra nước ngoài nhưng tập đoàn này đã đạt doanh thu 4.285 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 652 tỷ đồng. Năm 2011, Viettel cũng đạt trên dưới 11.200 tỷ đồng doanh thu, 1.445 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế...
Tuy nhiên, không phải DN Việt Nam nào đầu tư ra nước ngoài đều có lợi nhuận sớm như Viettel, bởi những dự án đầu tư đa phần mang tính chiến lược dài hạn. Nhưng, có thể thấy, với những bước đi đầu tiên thuận lợi, chúng ta có thể tin rằng những dự án đầu tư ra nước ngoài sẽ sớm phát huy hiệu quả, gia tăng sức mạnh nội tại của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.