(HNM) - Ấy là trong thế giới nghệ thuật sắp đặt của nhóm tác giả Hoàng Tuấn - Đắc Được - Đăng Tiến - Chu Lượng, những người đưa rối nước đến một không gian mới trong khuôn viên
Mở hướng sáng tạo
Những chú rối nước trong không gian tĩnh.Ảnh: Trà My
Bắt đầu từ tuần này, chỉ một giờ đồng hồ đến với Nhà hát Múa rối Thăng Long, khán giả không chỉ được thưởng thức màn biểu diễn "10 trò rối nước mới" - tiết mục vừa đoạt HCV trong Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ II tại Việt Nam, mà còn biết tới sự sáng tạo mới của nghệ thuật rối nước. Trong thế giới trên cạn, những chú rối trình diễn nghệ thuật "tĩnh" bằng cơ thể của mình, nhưng sống động và giàu ý tưởng vô cùng. NSƯT Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát, thành viên nhóm tác giả chia sẻ: "Chúng tôi sẽ phô diễn vẻ đẹp của môn nghệ thuật tuyệt vời này bằng những câu chuyện hướng về cội nguồn, đậm chất làng quê Việt Nam".
Ý tưởng đầu tiên được trình diễn là một chuỗi sắp đặt liên kết với nhau, gợi liên tưởng về một nền văn minh lúa nước. Đó có thể là một cách để nghệ thuật rối nước tự giới thiệu về mình. Đó là cảnh thuyền chài nhộn nhịp ở một làng quê thanh bình. Niềm vui thú khi cá đầy thuyền, đầy nơm hiện trên từng nét mặt. Những cách thức đánh bắt truyền thống cũng được khéo léo giới thiệu: nào lưới, nào giỏ, nào nơm, nào vó… Rồi những lễ hội tưng bừng, đám rước trạng rộn ràng ngày vinh quy bái tổ. Đó là cuộc sống thường ngày của người nông dân với con trâu, cái cày, khung cửi, sản phẩm đan lát, những con người cần cù, chăm chỉ… Mỗi con rối mang một vẻ mặt, một dáng điệu khác nhau, tất cả đầy biểu cảm và sinh động như chính đời sống và tâm hồn người dân Việt.
Khán giả sẽ được xem, được khám phá thế giới của những ý tưởng, được tìm hiểu văn hóa Việt, được đến gần những con rối nước hơn bao giờ hết để thỏa sức lưu lại những bức ảnh, đoạn phim thú vị.
Thêm đất diễn cho rối
Không còn những ngày tháng tung tẩy khắp các sân khấu trong và ngoài nước, những con rối và đạo cụ đi kèm lặng lẽ nằm một góc. Bởi người ta phải thay vở mới, bởi chúng đã cũ kỹ, hỏng hóc đâu đó… Và những người làm rối, biểu diễn rối luyến tiếc quá, băn khoăn quá. Dẫu sao, mỗi khi làm và tạo hình ra chúng, họ cũng đặt cả tâm huyết, thả hồn mình vào từng đường nét tạo hình, từng nét vẽ. Đó là một sản phẩm nghệ thuật tạo hình đẹp - không chỉ trên sân khấu nước mà cả khi quân rối đứng một mình. Nhóm 4 đạo diễn, nghệ sĩ đã tìm ra một sân khấu mới để những quân rối nước luôn "sống", thể hiện hết chức năng có thể của chúng, bởi thế mà cách sắp đặt sáng tạo của họ thật đáng ghi nhận. Thế là những quân rối nước luôn thể hiện được giá trị của chúng, ở bất cứ nơi đâu.
Hàng trăm, hàng nghìn con rối trong không gian sắp đặt của Nhà hát đều là những sản phẩm cũ. Nhưng chúng được tái sinh một cách mới mẻ, sống động và hữu ích với mọi đối tượng. Đạo diễn Hoàng Tuấn cho biết, ý tưởng này đã giải tỏa nhiều trăn trở cho những người nghệ sĩ múa rối về sự phát triển của môn nghệ thuật này. Các tác giả sẽ tái tạo dần dần những chú rối đã qua biểu diễn trong những ý tưởng liên tục mới. Có thể mỗi tháng họ sẽ thay đổi kiểu sắp đặt một lần, để những câu chuyện tươi mới và thú vị hơn, những mong đa dạng hóa sự sống của những quân rối.
Những sắp đặt muôn vẻ cùng chương trình rối nước đặc sắc sẽ phục vụ khán giả 5-6 suất/ngày. Chắc rằng, niềm vui thích mới mà rối nước mang lại sẽ tạo ra sự lôi cuốn và khiến nhiều khán giả trong, ngoài nước thêm yêu, thêm mê môn nghệ thuật đặc biệt này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.