Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi người tiêu dùng im lặng

Thanh Hiền| 29/06/2018 07:09

(HNM) - Thời gian qua, tình trạng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng vẫn xảy ra phổ biến và có dấu hiệu ngày càng phức tạp...

Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. (Trong ảnh: Điểm tri ân người tiêu dùng tại siêu thị Vinmart).


Uy tín của hàng Việt bị ảnh hưởng

Nhắc lại vụ việc lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội (gọi tắt là BCĐ 389/TP) bắt giữ một nhóm đối tượng chuyên sản xuất thuốc tăng/giảm cân giả nhãn hiệu Đông y gia truyền Tiến Hạnh và đã tiêu thụ 400.000 hộp ra thị trường mới đây, Phó trưởng BCĐ 389/TP, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, đây không phải là lần đầu quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 14.752 vụ, xử lý 12.410 vụ; khởi tố 62 vụ với 70 bị can; thu nộp ngân sách khoảng 3.140,2 tỷ đồng... liên quan đến buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất từ nước ngoài rồi đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ, mà còn được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Đáng chú ý, một số cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận đã sản xuất, kinh doanh trái phép các hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng; sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản thực phẩm và chăn nuôi... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, lợi dụng sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, một số doanh nghiệp/cá nhân đã thông qua mạng xã hội để kinh doanh những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật,… gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý. Đánh giá về thực trạng này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, một trong những vấn đề nổi cộm gần đây là niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt có phần bị lung lay. Nhiều doanh nghiệp Việt kinh doanh không minh bạch đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt, hay những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với rủi ro nhiều hơn bởi vấn nạn hàng giả... Nhưng, đáng nói là không ít người lại chọn phương án “im lặng” và bỏ qua vụ việc. Do đó, đối tượng có "đất" để vi phạm...

Kết quả bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện với 13.000 hộ gia đình tại 12 tỉnh, thành phố cũng cho thấy, sản phẩm trong nước được người tiêu dùng yêu thích đã giảm từ 51% còn 27%.

Xây dựng niềm tin

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên. Ảnh: Trần Việt


Thực tế qua các vụ việc cho thấy, nguyên nhân của tình trạng trên một mặt là do người tiêu dùng e ngại, nếu khiếu kiện đơn vị vi phạm sẽ mất thời gian giải quyết, trong khi giá trị hàng hóa thiệt hại không lớn. Mặt khác, cũng có không ít người chưa nắm rõ quyền lợi của mình, không biết gửi khiếu nại tới cơ quan nào, trình tự thủ tục xử lý ra sao? Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp sản xuất khi có sản phẩm bị gian lận cũng im lặng, không dám lên tiếng, vì lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu. Chị Hoàng Ngọc Lan (ở Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) chia sẻ, người tiêu dùng rất cần những thông tin từ phía doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và nhà sản xuất để nhận biết được nguồn gốc hàng hóa, phân biệt hàng thật - hàng giả. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất cần thiết.

Với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, niềm tin của khách hàng là rất quan trọng. Đây là tài sản lớn, giống như một nguồn vốn của xã hội, niềm tin càng cao, sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu điện tử Quang Đức (quận Hà Đông) cho rằng, xây dựng thương hiệu trên nền tảng thực chất của doanh nghiệp là rất cần thiết. Vì vậy, phải loại bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đổ lỗi, chụp giật trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời, nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của người sản xuất, doanh nhân, doanh nghiệp, trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng được niềm tin và thương hiệu với khách hàng.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, từ tháng 4 đến tháng 7-2018, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quận, huyện, doanh nghiệp, trường học. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tiếp.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hướng dẫn người tiêu dùng về quy trình phản ánh, khiếu nại đến các cơ quan chức năng khi quyền của người tiêu dùng bị xâm hại, hoặc khi phát hiện các hiện tượng vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thông qua việc đưa các chính sách, quy định của pháp luật vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh; áp dụng quy trình, tiêu chuẩn về giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng và tổ chức bộ phận chuyên trách để tư vấn, hỗ trợ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại… Cùng với đó, các sở, ngành xây dựng cơ chế phối hợp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đo lường chất lượng, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi người tiêu dùng im lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.