Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi người lao động thiếu thông tin

Quỳnh Anh| 08/03/2012 07:24

(HNM) -Năm 2011, cả nước chỉ có 23.199 người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN), nâng tổng số người tham gia đóng BHXHTN lên 104.518 người. Đây là con số quá ít ỏi so với gần 10 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.


Theo quy định, khi tham gia BHXHTN, từ năm 2010 đến năm 2011 người lao động sẽ phải đóng 18% thu nhập của bản thân, năm 2012-2013 mức đóng là 20%, từ tháng 1-2014 trở đi mức đóng là 22%. Mức đóng  theo nguyên tắc tự nguyện  nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Người lao động tự do, khi đóng đủ 20 năm bảo hiểm sẽ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Đây là hình thức bảo hiểm nhằm bảo đảm cuộc sống cho  người dân khi  về già, không có khả năng lao động, bởi mức lương họ được hưởng thấp nhất cũng bằng mức lương tối thiểu. Thế nhưng đến nay số người tham gia BHXHTN lại rất hạn chế. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện cả nước có 57,13 triệu người tham gia BHXH, trong đó chỉ có hơn 100 nghìn người tham gia BHXHTN, còn lại là tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Kết quả điều tra cho thấy, có rất nhiều lý do khiến người lao động không mặn mà với chế độ bảo hiểm này.

Đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn rất hạn chế. Ảnh: Trung Kiên


Anh Nguyễn Văn Hải, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội  là lao động tự do, sống bằng nghề chạy xe ôm. Mong ước của anh là khi về già có được tiền trợ cấp hưu trí để lo cuộc sống như những cán bộ, công nhân viên chức. Thế nhưng khi tìm hiểu kỹ về quy định đóng BHXHTN, anh đành phải từ bỏ mong ước này. "Mức đóng BHXHTN quá cao. Sau khi tính toán, tôi đành chọn cách dành dụm, tiết kiệm tiền thay vì đóng BHXHTN hằng tháng". Theo tính toán của anh Hải, thu nhập bình quân từ nghề chạy xe ôm là 2 triệu đồng/tháng, với quy định trên hằng tháng anh sẽ phải đóng 400.000đồng (20% thu nhập trong năm 2012-2013) phí BHXHTN. Kể từ năm 2014, anh phải đóng theo mức mới bằng 22% là 440.000 đồng.

Trên thực tế, có rất nhiều gia đình nghèo ở nông thôn, thu nhập mỗi tháng chỉ được vài trăm nghìn đồng. Đây là một "rào cản" khiến họ không thể tham gia BHXHTN. Mặt khác, theo quy định người tham gia BHXHTN chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm khi đã đóng các khoản phí đầy đủ và phải đạt đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXHTN trở lên). Như vậy, thời gian để được thụ hưởng dài dẫn đến người dân không mấy hào hứng.

Một lý do nữa khiến số lượng đối tượng tham gia BHXHTN rất thấp đó là công tác tuyên truyền. Mặc dù các cơ quan BHXH đã tuyên truyền các chính sách, chế độ của các loại BHXHTN đến người dân, nhưng mức độ tuyên truyền chưa sâu rộng nên đa số người dân vẫn chưa hiểu loại hình bảo hiểm này. Rất nhiều người khi được hỏi đều có câu trả lời, không biết loại hình bảo hiểm này có những ưu việt gì.

BHXHTN được triển khai mở ra cơ hội cho mọi người lao động được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm cuộc sống của họ khi về già, nhất là bộ phận có thu nhập thấp, vốn phải gánh chịu nhiều rủi ro. Tính ưu việt của BHXHTN là rất rõ. Song, vì những lý do như trên nên nhiều người không mấy mặn mà với BHXHTN. Vì vậy, để thu hút được người dân tham gia BHXHTN,  các cơ quan chức năng cần điều chỉnh những bất cập trong quy định về BHXHTN cho phù hợp với thực tế, hài hòa được lợi ích của người tham gia bảo hiểm. Đồng thời  cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Luật BHXH, chế độ, chính sách cho người tham gia BHXHTN, giúp mọi người thấy được lợi ích lâu dài của tham gia bảo hiểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi người lao động thiếu thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.