Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi người cầm bút giữ tâm trong sáng…

Bùi Bằng| 21/06/2016 09:22

(HNM) - Bất cứ nghề nào trong xã hội cũng đều coi trọng đạo đức nghề nghiệp. Với nghề báo, đạo đức nghề nghiệp càng phải được đặt lên hàng đầu, nhất là khi báo chí phát triển như hiện nay.

Bác Hồ với các phóng viên báo đài.Ảnh tư liệu


Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã viết hàng nghìn bài báo bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại, dưới nhiều bút danh khác nhau cùng nhiều thư viết và cuộc trò chuyện với các thế hệ làm báo Việt Nam. Qua đó Người để lại những bài học sâu sắc về nghề, đó là kim chỉ nam giúp các thế hệ người làm báo Việt Nam giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và tôn chỉ mục đích của báo chí Cách mạng.

“Viết cho ai, viết để làm gì?”, “Viết như thế nào?” là những trăn trở trước khi Bác đặt bút. Theo Người là “viết cho đại đa số công - nông - binh, viết để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng; viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, “viết để nêu những cái hay, cái tốt, đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, bộ đội; không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại, có thế nào nói thế ấy…”.

Mỗi bài báo Bác Hồ viết trong những bối cảnh cụ thể và có mục đích riêng, nhưng giờ đây đọc lại, ai cũng học được ở đó nhiều điều hay, bổ ích. Trong mỗi câu, mỗi chữ mà Bác viết, ta đều thấy ấm nồng tình người, lòng bao dung cao cả và toát lên tư tưởng vì nước, vì dân. Nội dung, ý tứ bài báo rõ ràng, câu chữ trong sáng, mạch lạc, ngắn gọn và dễ hiểu. Viết về những vấn đề trong cuộc sống, viết về nhân dân, về cán bộ, đảng viên thì lời lẽ của Bác rất mộc mạc, chân tình. Trong bài viết nhan đề “Đáng khen… và đáng chê” (đăng Báo Nhân Dân, số 4667 ngày 17-1-1967, bút danh Chiến Sỹ), Bác đã mở đầu bằng 4 câu thơ: “Cán bộ xung trước/Làng nước theo sau/Việc khó đến đâu/Cũng làm được hết” và còn trích một đoạn bài báo đã đăng trên Báo Hà Tây khi đó phản ánh việc xã Hồng Hà (Đan Phượng) có thôn Bá Giang nổi tiếng nấu rượu lậu. Đảng ủy xã đã mở cuộc vận động, yêu cầu đảng viên thực hiện trước cho dân theo và kết quả là xóa được nạn nấu rượu lậu.

Cách làm báo của Bác là mỗi lần viết, trước khi gửi đến tòa soạn, Người chép thành hai bản để sau khi báo đăng còn so xem họ sửa thế nào, từ đó mà tiếp thu sửa chữa. Với những người làm báo, Bác không quên nhắc nhở: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác có riêng một bài nói về cách viết, viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, lời ngắn, ý dài. Đặt câu hỏi: “Viết thế nào?”, Bác nhắc phải tránh lối viết “rau muống”, “trường giang đại hải”. Muốn cho người xem nhớ được, hiểu được, phải viết đúng trình độ của người xem. Bác rất ghét cách sính dùng từ, nhất là lạm dụng tiếng nước ngoài: “Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia…, dùng lung tung nhiều khi không đúng”. Người khuyên chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta.

Những lời dặn dò, nhắc nhở của Bác luôn luôn được các thế hệ người làm báo Việt Nam khắc sâu trong tâm khảm: Người làm báo phải có lập trường chính trị vững vàng; chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng được. Người làm báo hơn ai hết phải không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và nghiệp vụ làm báo. Nhãn quan chính trị sai lệch, cái tâm nghề nghiệp không trong sáng, thì sự phản ánh sẽ thiếu khách quan chân thật.

Ngẫm lại những điều Bác căn dặn thấy vô cùng đúng trong bối cảnh hiện nay, càng nghĩ, càng thấm thía về đạo đức nghề báo. Cái tâm của người viết có trong sáng mới phản ánh trung thực cuộc sống, cả những mặt tốt, mặt chưa tốt và cái xấu cần phê phán để bảo vệ cho lẽ phải, đồng thời hướng đến cái tích cực. Nếu không có đạo đức khi hành nghề thì khoảng cách giữa việc hành nghề chính đáng với việc lợi dụng nghề để trục lợi hoặc làm những việc bất chính chỉ là gang tấc. Một khi thông tin bị hiểu sai lệch hoặc bị người viết cố tình làm cho méo mó đi thì hệ lụy của nó đối với cá nhân hay cộng đồng thật khôn lường. Còn khi thông tin được phản ánh kịp thời, chính xác, trung thực, mang tính nhân văn, thì sẽ có tác dụng tích cực, hiệu ứng xã hội cao. Cây bút, tác phẩm là vũ khí sắc bén - là vì thế!

Bác chính là chiếc gương sáng nhất để mỗi người làm báo soi vào đó để tự sửa mình. Và câu nói “Viết cho ai? Viết để làm gì?” của Bác Hồ bao năm qua vẫn luôn là điều mà người làm báo hôm nay phải trăn trở mỗi khi đặt bút viết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi người cầm bút giữ tâm trong sáng…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.