(HNM) - Trước nay, người ta hay nói ngành điện hay ngành nước độc quyền… chứ ít thấy ai bảo các ngân hàng cũng độc quyền. Sự thật thì số ngân hàng bây giờ nhiều đếm không hết, ngay ở Hà Nội cũng đang hình thành cả một
Cách đây chưa lâu, trong cơn sốt lãi suất và sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng lãi suất thỏa thuận, các ngân hàng được dịp mạnh ai nấy làm. Lãi suất mỗi ngân hàng áp dụng một khác, cao nhất với lãi suất cho vay lên tới trên 20%/năm. Nói là thỏa thuận, chứ thực ra các ngân hàng quyết định là chính, chứ cũng chẳng có nhiều khách hàng được thụ hưởng một cách thoải mái chính sách ấy. Khi ấy, các doanh nghiệp vốn đang trong cơn khốn khó vì khủng hoảng kinh tế, nhưng đi vay ngân hàng cũng chẳng dễ dàng gì, dù với lãi suất ngất ngưởng.
Khó khăn nhất là với các đối tượng cá nhân vay tín dụng. Dường như chỉ những ai có "quan hệ" đặc biệt mới được hưởng ưu đãi lãi suất thấp, còn lại hầu hết khách hàng đều phải "ngậm bồ hòn" chấp nhận thông báo tăng lãi suất một cách bất thường từ ngân hàng. Khách hàng của ngân hàng nhỏ lại càng chịu thói "độc quyền" từ "chủ nợ". Ví dụ như tại Ngân hàng TMCP An Bình, một số khách hàng đã phải méo mặt khi liên tục nhận được thông báo tăng lãi suất trong thời gian ngắn. Ngay tại thời điểm này, dù không có những biến động đáng kể trên thị trường tiền tệ, nhưng ngân hàng này cũng đã phát đi thông báo tăng lãi suất cho vay thêm 20%. Thông tin ấy được đưa ra chỉ ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nếu chỉ số giá tiêu dùng của tháng 2 xoay quanh mốc 1,4% thì Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh hạ lãi suất cơ bản VND và vì thế, mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng sẽ giảm.
Cũng trong mấy ngày qua, dư luận đang xôn xao khi một số tờ báo đưa tin nhiều ngân hàng công bố lãi lớn. Chẳng hạn lợi nhuận trước thuế của Vietinbank lên tới 4.500 tỷ đồng. Thấp hơn như Eximbank cũng nhòm nhèm 2.300 tỷ đồng. Rồi những ngân hàng non trẻ hơn, nhỏ hơn, như An Bình Bank đạt lãi trước thuế 638 tỷ đồng (kế hoạch là 580 tỷ đồng), OceanBank đạt trên 691 tỷ đồng (trước thuế), vượt 133% kế hoạch…
Dĩ nhiên, số lãi ấy có được từ nhiều khoản kinh doanh. Nhưng chắc chắn phần lớn từ hoạt động tín dụng. Vậy là trong suốt một thời gian dài, hầu như cả nền kinh tế gồng mình chống chọi với khủng hoảng, nhiều đơn vị cũng chỉ ước ao làm sao không lỗ, không phá sản là may mắn, thì các ngân hàng vẫn ung dung… đạt lợi nhuận ngất ngưởng. Nhiều người cũng đặt vấn đề, sở dĩ các ngân hàng thắng lớn là vì cơ chế "độc quyền", chẳng giống quy luật thị trường, khi giá mua (lãi suất huy động tiền gửi) thì bị khống chế, còn giá bán (lãi suất cho vay thỏa thuận) thì thả nổi, ngân hàng mặc sức mà tăng.
"Độc quyền" thế, không lãi mới là chuyện lạ. Phải chăng đã đến lúc cần một cơ chế khác?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.