(HNM) - Sau bữa trưa ngày 21-10, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Vĩnh Nghĩa (thị xã Bến Cát, Bình Dương) đã phải nhập viện cấp cứu với những dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm.
Do số lượng bệnh nhân quá lớn, Bệnh viện Đa khoa Bình Dương phải sử dụng cả hội trường để tiếp nhận, khám, điều trị cho người "trúng" độc. Một số bệnh viện khác trong khu vực cũng được huy động để tiếp nhận bệnh nhân. Tuy không có người tử vong nhưng vụ ngộ độc thực phẩm tập thể này một lần nữa khiến dư luận xã hội "rùng mình" vì công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các nhà máy, khu công nghiệp.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2014, cả nước xảy ra 189 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.100 người mắc, 4.100 người phải nhập viện, 43 người tử vong. So với năm 2013, tăng 22 vụ; số người mắc, số người phải nhập viện giảm, nhưng số người tử vong do ngộ độc tăng gần 53%. Còn trong năm nay, tính đến hết tháng 6, cả nước đã xảy ra 90 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.595 người mắc, 2.444 người nhập viện, trong đó 16 người tử vong. Điều đáng nói là số vụ ngộ độc tập thể tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Ngộ độc xảy ra, không chỉ công nhân bị ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe mà chính doanh nghiệp cũng bị tác động tiêu cực về tiến độ sản xuất, giao hàng.
Vậy tại sao các vụ ngộ độc tập thể tiếp tục diễn biến phức tạp? Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về An toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra ngày 30-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất giải pháp quản lý, kiểm soát ngộ độc và nâng cao điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất. Tất nhiên, không dễ để có thể ngay lập tức thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo và ngăn chặn triệt để nguy cơ ngộ độc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi lẽ, lý do đơn giản, dễ hiểu nhất, được chính đại diện các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo thừa nhận trong cuộc họp là công tác phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất; xử lý vi phạm thiếu kiên quyết… Chưa kể tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất hàng kém chất lượng… Do vậy, dù hàng chục nghìn đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã được thành lập, xử lý cả vạn cơ sở sai phạm nhưng kết quả vẫn chỉ như "muối bỏ bể". Hậu quả thì đã rõ, ngộ độc vẫn xảy ra! Đó là chưa kể nguy cơ bệnh tật do tích tụ thực phẩm bẩn mỗi ngày nhưng chưa đến mức gây ra ngộ độc. Thực phẩm bị bơm nước, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giết mổ không bảo đảm vệ sinh; thực phẩm trôi nổi, thậm chí ôi thối vẫn lưu hành rồi đến… miệng người tiêu dùng. Khi xảy ra chuyện, hỏi đến thì quả bóng "trách nhiệm" lại chạy vòng quanh…
Cách đây hai ngày, cũng trên chuyên mục này, Báo Hànộimới cũng đã đề cập tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với nhận định chúng ta đang bị "đầu độc" và "tự đầu độc". Các cơ quan chức năng sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra từng vụ ngộ độc. Tuy nhiên, đó là những vụ ngộ độc lớn. Chắc hẳn có những vụ ngộ độc nhỏ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, tại đó dân trí còn hạn chế, không đưa người thân đi khám, thông báo với cơ quan chức năng. Rõ ràng, nếu các cơ quan hữu trách không có giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả, chắc hẳn, báo chí sẽ còn phải tốn nhiều giấy mực phản ánh về vấn đề này. Đã xác định nguyên nhân của hạn chế, yếu kém mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả, có lẽ là phần nào đã "tiếp tay đầu độc" người dân. Mỗi vụ xảy ra như một hồi chuông báo động và báo động cứ tiếp nối báo động?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.