Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi khó khăn càng phải đồng hành với doanh nghiệp

Ngô Sơn| 27/01/2013 06:22

(HNM) - Đồng Nai nổi tiếng khi có khu công nghiệp (KCN) sớm nhất (KCN Biên Hòa 1) và nhiều nhất nhì nước ta (với 31 KCN). Năm 2012, khi nền kinh tế đang khó khăn chồng chất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên cả nước đều sụt giảm thì Đồng Nai lại tăng 33% so với kế hoạch và tăng 20% so với năm 2011.



Đây cũng là một trong số ít các tỉnh, thành có mức thu ngân sách đạt trên 28 nghìn tỷ đồng, vượt so với chỉ tiêu được giao. Vậy nhưng khi đối thoại với PV Hànộimới, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Đinh Quốc Thái, lại bày tỏ nhiều trăn trở…

Đồng hành không chỉ là hô khẩu hiệu…

- Ông tâm đắc nhất trong kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Đồng Nai trong năm 2012 là những vấn đề gì?

- “Đặc sản” của Đồng Nai là KCN. Năm 2012 là một năm được đánh giá là cực kỳ khó khăn do kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi, tác động xấu vào nền kinh tế nước ta. Đặc biệt với Đồng Nai là một tỉnh có nhiều KCN nhất nhì cả nước (31 KCN) với doanh nghiệp của 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây, nên chịu ảnh hưởng lớn hơn ai hết. Vậy nhưng kết thúc năm 2012, nếu như việc thu hút vốn FDI trên cả nước đều sụt giảm thì ở Đồng Nai lại đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 33% so với kế hoạch và tăng 20% so với năm 2011. Điều đáng quan tâm là hầu hết nguồn vốn FDI đều “chảy” vào sản xuất và tỉnh đã thu hút vốn FDI có định hướng, có chọn lọc. Trong năm 2012, các KCN Đồng Nai đã thu hút được một số dự án lớn, trong đó đặc biệt là dự án Cty TNHH Sản xuất Toàn Cầu LIXIL Việt Nam có tổng vốn đầu tư đăng ký là 441.000.000 USD, các dự án trên 10 triệu USD điển hình như: Chi nhánh Công ty Pepsico Việt Nam (45 triệu USD), Công ty Hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu (14,35 triệu USD), Công ty TNHH Thực phẩm House (14 triệu USD)...

Ông Đinh Quốc Thái.


Kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai năm qua đạt gần 11 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ và tăng 7,4% so với cả nước. Năm 2012, Đồng Nai trở thành một trong số ít các tỉnh, thành có mức thu ngân sách đạt trên 28 nghìn tỷ đồng, vượt 4% so với chỉ tiêu được giao. Đây là điều rất có ý nghĩa vì tỉnh đã góp phần tích cực vào nguồn thu ngân sách cả nước. Điều này là nỗ lực lớn, công lớn của các doanh nghiệp, nhưng cũng không thể không nói đến giải pháp đồng hành của cơ quan chức năng và chính quyền.

- Ông nói đồng hành cùng doanh nghiệp? Thực ra câu khẩu hiệu này người ta vẫn thường hô to từ lâu nhưng kết quả thì nhiều nơi than thở rồi đổ lỗi cho việc phải gánh chịu hậu quả của nền kinh tế suy thoái?

- Không phải đổ lỗi mà chúng tôi cũng như các tỉnh bạn đều cùng cảnh khó khăn cả. Ngay từ đầu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, chỉ khi doanh nghiệp “khỏe mạnh”, phát triển tốt thì mới có thể đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế. Vậy nên chúng tôi không chỉ hô to mà quyết liệt bằng các giải pháp cụ thể để đồng hành với doanh nghiệp, bởi chính lúc khó khăn này người ta mới thấy được giá trị của việc sát cánh bên nhau. Cụ thể chúng tôi yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tiếp xúc, gặp gỡ với doanh nghiệp mỗi tháng một lần (trước đây mỗi quý một lần) để kịp thời nắm bắt thông tin và có các động thái hỗ trợ phù hợp. Trường hợp đột xuất, doanh nghiệp cần, kêu là tới ngay. Thậm chí chúng tôi còn yêu cầu các sở, ngành phải lên chương trình hành động “đồng hành” với nhiều biện pháp như chủ động gặp gỡ, cung cấp thông tin về thị trường, về tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là tạo điều kiện giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận kịp thời các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như giảm thuế hoặc giãn thời hạn nộp thuế…

Song hành với việc làm đó, tỉnh quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt ở “cửa” cấp phép đầu tư và hải quan để tạo ra một môi trường thực sự thông thoáng, lành mạnh cho doanh nghiệp làm ăn.

- Ông có thể dẫn chứng cụ thể?

Ông Đinh Quốc Thái: Hoàn thành thu ngân sách năm 2012 đã rất khó khăn, nhưng năm 2013, Đồng Nai được giao thu ngân sách tăng 15%, tức tỉnh phải hoàn thành thu trên 32 nghìn tỷ đồng - một con số rất lớn. Muốn vậy, năm 2013, ngoài việc chú trọng tháo gỡ khó khăn, chúng tôi vẫn chủ động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp... Mặt khác để tạo môi trường thu hút đầu tư bền vững, việc phát triển cơ sở hạ tầng nhanh và đồng bộ là một trong những mục tiêu chủ yếu của Đồng Nai trong các năm tới.

- Tôi chỉ xin dẫn chứng điển hình ở “cửa” hải quan thôi. Đến nay 100% Chi cục Hải quan ở Đồng Nai đã áp dụng thông quan điện tử, rất nhanh chóng, thuận tiện cho doanh nghiệp. Thậm chí Cục Hải quan Đồng Nai, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Đồng Nai, đã ký kết hợp tác thu ngân sách nhà nước, bảo lãnh thuế bằng phương thức điện tử đối với các hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ba bên sẽ kết nối mạng nhằm truy xuất xác nhận tờ khai hải quan của các doanh nghiệp và trích nộp thuế cho các doanh nghiệp kịp thời và chính xác. Doanh nghiệp có thể đến các điểm giao dịch của BIDV để nộp thuế xuất nhập khẩu. Số tiền nộp thuế này sẽ được BIDV Đồng Nai thông báo ngay cho Kho bạc Nhà nước tỉnh và Cục Hải quan Đồng Nai qua mạng. Với những doanh nghiệp có quan hệ tốt về tiền gửi và tiền vay tại BIDV Đồng Nai khi chưa chuẩn bị kịp nguồn tiền nộp thuế xuất nhập khẩu có thể làm thủ tục để BIDV Đồng Nai bảo lãnh thông quan hàng hóa trước và nộp thuế sau…

Không chỉ thay đổi việc “hành là chính”

- Thực tế việc thu hút vốn FDI không chỉ thay đổi việc “hành là chính”?

- Đúng như vậy! Trước đây chúng tôi đã phải làm một cuộc khảo sát cụ thể và phát hiện ra nhiều vấn đề lớn: Đồng Nai hiện có nhà đầu tư của 36 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng qua khảo sát thì các nhà đầu tư biết đến Đồng Nai qua web chính thống chỉ 3%. Đa phần họ đi bằng con đường khác, trong đó khá nhiều nhà đầu tư tiếp nhận thông tin từ các hiệp hội doanh nghiệp của họ, hoặc nghe đồng nghiệp, bạn hàng. Thế nên chúng tôi đã đổi phương pháp với xác định, không phải khi các nhà đầu tư đã vào KCN xong là hết nhiệm vụ. Bởi khi doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tốt và đánh giá mình tốt thì họ sẽ kể lại những điều này với bạn hàng, với các doanh nghiệp nhiều ngành nghề khác ở nước họ... Đó chính là phương pháp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh mình rộng nhất, nhanh nhất và sâu nhất. Thế nên bên cạnh “cởi” các thủ tục, đồng hành cụ thể để tạo cảm tình, tạo yên tâm sâu với nhà đầu tư, đích thân lãnh đạo tỉnh còn phải thường xuyên gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan ngoại giao cũng như tiếp xúc với các nhà đầu tư để kịp tháo gỡ vướng mắc. Có nhiều trường hợp theo đề xuất, chúng tôi còn giải quyết thủ tục nhanh hơn cả quy định chung khi cấp giấy phép cho doanh nghiệp thì đưa kèm luôn con dấu, giúp họ không phải đi nhiều cửa phiền phức. Bởi vậy, sau khi chúng tôi tiếp xúc, mới đây, 2 hiệp hội doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc đã hứa, năm 2013 này sẽ kéo nhiều doanh nghiệp của họ đến Đồng Nai đầu tư.

- Đồng Nai đã bị tai tiếng cả nước trong vụ Vedan VN và Sonadezi Long Thành gây ô nhiễm môi trường. Liệu khi mở rộng cánh cửa đầu tư vào các KCN như vậy, có lặp lại vết xe đổ về môi trường, nhất là năm vừa qua mục tiêu 100% các KCN phải có nhà máy xử lý nước thải không làm được?

- Đúng là đến giờ này tỉnh vẫn còn 2 KCN chưa hoàn thành, dự kiến phải đến quý I-2013 mới xong. Tuy nhiên cũng rút bài học từ các vụ “tai tiếng” trên nên tỉnh đã chỉ đạo các công ty hạ tầng KCN nếu không khắc phục vấn đề môi trường thì sẽ không cho các dự án hoạt động; yêu cầu tất cả KCN phải gắn hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các KCN để giám sát về chất lượng môi trường và cung cấp liên tục các thông tin cho cơ quan chức năng để giám sát xử lý kịp thời. Năm 2012, Đồng Nai đã đầu tư 30 tỷ đồng hình thành 4 trạm quan trắc nước mặt, 2 trạm quan trắc không khí, 1 trạm quan trắc không khí di động. Năm 2013, dứt khoát 100% KCN của tỉnh phải lắp đặt hệ thống này. Bên cạnh đó, trong quá trình thu hút đầu tư, chúng tôi có chọn lọc theo hướng dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

- Năm qua thu hút vốn doanh nghiệp trong nước của tỉnh chỉ bằng 60% năm trước, không đạt mục tiêu của Nghị quyết. Nãy giờ ông khá tâm đắc với doanh nghiệp vốn FDI. Phải chăng có chuyện “nhất bên trọng nhất bên khinh”?

- Không bên nào khinh - trọng cả. Chính sách của tỉnh là chung cho tất cả các doanh nghiệp. Sở dĩ vốn đăng ký của doanh nghiệp trong nước giảm 60% (Mục tiêu của nghị quyết, năm 2012 là 18.000 tỷ đồng nhưng chỉ đạt 12.000 tỷ đồng - PV) là bởi sự khó khăn của nền kinh tế. Khi ngân hàng siết lại nguồn cho vay và tăng lãi suất, do không tích lũy được nhiều nên doanh nghiệp trong nước không dám mở rộng, thậm chí co cụm lại phòng thủ để “vượt bão”.

- Thu và nộp ngân sách khá lớn, lại nằm ở cửa ngõ tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam (Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu - Bình Dương - TP Hồ Chí Minh), một vùng kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng để phát triển logistics, tuy nhiên, hệ thống giao thông Đồng Nai lại “nhỏ nhỏ” dẫn tới bức xúc không nhỏ của các doanh nghiệp?

- Đúng là thời gian qua việc đầu tư ngân sách cho hạ tầng giao thông Đồng Nai nói riêng và cả khu vực nói chung còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong khi đó để môi trường đầu tư hấp dẫn thì hạ tầng giao thông cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Các bộ, ngành cũng như chúng tôi đã thấy rõ vấn đề này. Bởi vậy nên vừa rồi Đồng Nai được đầu tư nhiều dự án hạ tầng trọng điểm và được chúng tôi chỉ đạo thực hiện ráo riết để kịp tiến độ hoàn thành. Cụ thể, dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vẫn đang được thực hiện đúng tiến độ, khi hoàn thành có thể kết nối nhiều KCN, vùng dân cư quan trọng của Đồng Nai, thu hút thêm đầu tư. Dự án cầu Hóa An mới cũng đang được gấp rút thực hiện, đúng tiến độ. Ngoài ra, các dự án đường giao thông khác như quốc lộ 51 đã cơ bản hoàn thành, đường tỉnh 768, đường 25B… vẫn đang được thực hiện.

Tiếc một đồng lại mất cả trăm đồng

- Chúng tôi còn nghe nhiều tiếng “kêu than” của các nhà kinh doanh hạ tầng KCN trong khi KCN là… “đặc sản” của địa phương?

- Tiếng kêu than của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN còn là nỗi đau đầu của cả chúng tôi. Đó là chính sách đất đai. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy giải pháp cụ thể từ bộ, ngành chức năng. Cụ thể vừa qua, việc Nhà nước điều chỉnh giá thuê đất KCN tăng nhanh, vượt trên 15%, có nơi giá thuê đất tăng vọt tới ba - năm lần, thậm chí đến 8 lần. Ở các KCN Đồng Nai đa số doanh nghiệp đã ký với Nhà nước hợp đồng ổn định giá thuê 5 năm, mỗi lần tăng không quá 15%. Do vậy, khi giá thuê đất tăng như vậy, các công ty hạ tầng không thể đưa phần tăng giá vào hợp đồng cho thuê lại đất với các doanh nghiệp. Thậm chí có doanh nghiệp đã trả tiền thuê đất một lần, nên bây giờ không thể phá hợp đồng đã ký. Tình huống này buộc các công ty kinh doanh hạ tầng KCN phải bỏ thêm khoản tiền chênh lệch giữa giá cũ và mới hàng tỷ đồng để nộp cho Nhà nước, tất yếu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng liên quan đất đai, vấn đề ổn định giá đất cũng khiến chúng tôi đau đầu. Giá đất thay đổi cũng nhanh dẫn tới 1 dự án có khi tới 2 đến 3 loại giá làm nảy sinh khiếu kiện và việc giải phóng để có đất sạch bị cầm chân. Một dự án triển khai nhanh thì sẽ nhanh chóng thu lời và nộp ngân sách, còn không thì ngược lại, không chỉ làm thất thu mà còn khiến doanh nghiệp thêm khó khăn bởi càng kéo dài, càng đội chi phí. Điều này chẳng khác gì chúng ta tiếc một đồng, sợ mất một đồng nhưng thực ra đã mất cả trăm đồng từ nguồn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cái cần bây giờ là Chính phủ phải có chính sách giữ ổn định giá đất trong vài năm bởi một môi trường không ổn định như vậy tất yếu sẽ làm hạn chế thu hút đầu tư…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi khó khăn càng phải đồng hành với doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.