Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi ISO về... xã

Đan Nhiễm| 23/07/2010 05:34

(HNM) - Theo đánh giá của Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn ISO cho các cơ quan hành chính (CQHC) trên địa bàn. Đến nay, công việc này đã được triển khai gần 10 năm và có những đóng góp không thể phủ nhận vào nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của thành phố.


ISO sẽ là văn minh công sở


Ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Giảng Võ.   Ảnh: Đàm Duy

TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: Tính đến cuối tháng 6-2010, đã có 112 CQHC được cấp giấy chứng nhận HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001:2000 hoặc TCVN ISO 9001:2008. Trong số này có 19/20 sở, ngành; 29/29 quận, huyện, thị xã. Từ năm 2007, Hà Nội cũng bắt đầu triển khai thí điểm áp dụng ISO tại các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã). Hiện tại đã có 51/577 xã đã, đang áp dụng ISO và được cấp chứng nhận.

Theo đánh giá, khi áp dụng ISO vào CQHC, các đơn vị đã xây dựng HTQLCL kết hợp với cơ chế một cửa, một cửa liên thông nên đã rút ngắn được các quy trình và thời gian trong giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, góp phần thực hiện tốt Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần vào nỗ lực cải cách hành chính của thành phố. Trong số các CQHC đã áp dụng ISO 9001:2000, Sở Tài chính được đánh giá là một trong những đơn vị có nhiều thành công. Đến nay, Sở đã hoàn thành việc áp dụng 4 quy trình chung và 15 quy trình tác nghiệp và công bố công khai, xác định rõ trách nhiệm của cán bộ phụ trách. Đặc biệt, đơn vị này coi việc áp dụng HTQLCL là một tiêu chí thi đua, được đánh giá vào kết quả thi đua, khen thưởng hằng năm.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cho biết, nhờ áp dụng vào quản lý hành chính, phường Giáp Bát đã loại bỏ được các thủ tục không cần thiết, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian và giảm chi phí công việc. Việc giải quyết hồ sơ hành chính của các bộ phận chuyên môn được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ hồ sơ sai hẹn hầu như không có.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng đề xuất quan điểm nên coi việc áp dụng ISO tại các CQHC là một trong những tiêu chí để xây dựng văn minh công sở. Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc áp dụng ISO 9001:2008 xuống cấp xã vì đây là bộ phận trực tiếp tiếp xúc với dân nhiều nhất và cũng là thước đo dễ thấy nhất về sự hài lòng hay không của công dân với chính quyền...

Để không là bệnh hình thức

Áp dụng ISO 9000:2001 vào CQHC sẽ mang lại lợi ích là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để công cụ này phát huy tối đa lợi ích là việc không dễ, không đơn giản nếu như những người thực thi nó chỉ coi đây là "lớp mạ".

Ông Phạm Văn Hảo, Phó Giám đốc Công ty QM&T - đơn vị tư vấn cho nhiều CQHC của Hà Nội cho biết, thực trạng không ít cán bộ công chức coi việc áp dụng ISO là quá phức tạp nên có thái độ không hợp tác, làm việc hời hợt. Công việc liên quan đến ISO thường được các đơn vị hành chính phó mặc cho các tổ chức tư vấn và chỉ bảo đảm tiến độ khi bên tư vấn thúc ép, mà thực chất là làm thay khá nhiều việc. Một nghịch lý khác được ông Hảo chỉ ra là có nhiều đơn vị yêu cầu tổ chức tư vấn cứ triển khai công việc nhưng chỉ đến khi có được chứng nhận ISO mới ký hợp đồng, gây khó khăn cho tổ chức tư vấn.

Có một khó khăn khác khi triển khai ISO tại các CQHC là do chưa có quy định về hệ thống tài liệu chuẩn nên một số cơ quan, đơn vị lựa chọn những lĩnh vực dễ làm, ít quan trọng để xây dựng HTQLCL. Những quy trình liên quan đến liên thông một cửa giữa các đơn vị chức năng ít được chọn lựa khi áp dụng ISO. Trên thực tế, đây là tình trạng chung của cả nước chứ không chỉ là của riêng Hà Nội. Cụ thể là tại TP Hồ Chí Minh, việc áp dụng đồng loạt ISO 9001:2000 ở hầu hết các cơ quan đòi hỏi một số lượng lớn chuyên gia có năng lực và trong thời điểm hiện nay không dễ có được. Một số nơi đã "chạy tiến độ", từ đó tạo ra cạnh tranh không lành mạnh trong tư vấn, đánh giá, chứng nhận cũng như sao chép máy móc các quy trình của nhau... dẫn đến hậu quả là việc áp dụng ISO chưa đạt yêu cầu.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng cho rằng, việc Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2012 hoàn thành việc triển khai, áp dụng và cấp chứng chỉ ISO 9001:2008 là sự mạnh dạn. Chỉ ở nơi nào người đứng đầu các CQHC thật sự quyết tâm, sát sao với công việc thì việc triển khai ISO mới bảo đảm đúng tiến độ và mang lại hiệu quả thiết thực... Rõ ràng, một lần nữa vai trò có tính chất quyết định của người đứng đầu lại được đề cao trong việc áp dụng ISO.

Một số mục tiêu được Hà Nội đặt ra
- Phấn đấu đến năm 2012, hoàn thành việc đánh giá, cấp lại chứng chỉ ISO theo phiên bản mới ISO 9001:2008 và mở rộng lĩnh vực áp dụng.
- Phấn đấu đến năm 2012, 100% các xã, phường, thị trấn hoàn thành việc triển khai, áp dụng và cấp chứng chỉ ISO 9001:2008.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi ISO về... xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.