(HNM) - Theo thống kê của Bệnh viện Nhi TƯ, học sinh mầm non là lứa tuổi dễ bị tai nạn nhất. Trẻ có rất nhiều nguy cơ bị tai nạn: hóc thức ăn, hóc dị vật, nghiêm trọng hơn là bị điện giật, ngã hoặc bị bỏng...
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT, kèm theo quy định bắt đầu từ tháng 11-2008, mỗi trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ phải có phòng y tế có diện tích trên 12m2 và có nhân viên y tế chuyên trách có trình độ từ trung cấp trở lên. Cơ sở giáo dục mầm non phải quản lý, lưu hồ sơ hoặc sổ theo dõi sức khỏe của trẻ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm hai lần, sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc chuyển trẻ bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết... Quyết định ra đời đã gần 2 năm nhưng vẫn chỉ là quyết định.
Trên thực tế, phòng y tế của hầu hết trường mầm non chỉ là một góc đủ để trưng bày một số tranh ảnh tuyên truyền về dịch bệnh, một tủ thuốc cá nhân không khác với tủ thuốc gia đình là mấy với ít băng gạc y tế, cân, nẹp... Còn cán bộ chuyên trách y tế thì vẫn là một khoảng trống lớn. Lý do muôn thuở vẫn là do lương quá thấp, là cán bộ chuyên trách ở trường nhưng họ không có quyền lợi của giáo viên, cũng không có quyền lợi của thầy thuốc nên chẳng ai mặn mà làm công việc này. Một số trường chuyển những giáo viên đứng lớp lâu năm sang làm nhân viên y tế hoặc giáo viên, thủ quỹ, kế toán kiêm nhiệm, ví dụ như Trường Mầm non Trung Tự cử thủ kho kiêm phụ trách phòng y tế. Vì không có chuyên môn nên việc xử lý các trường hợp bị ốm đau xảy ra ở trường rất sơ sài. Khi gặp trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra, có cháu nào nóng sốt, lên cơn co giật thì nhà trường sơ cứu rồi nhanh chân chuyển đến bệnh viện, còn không thì gọi người nhà tới cùng đưa đi khám, chữa trị.
Theo Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội thì trung bình mỗi năm thành phố đóng cửa khoảng 40 điểm trông giữ trẻ gia đình và tư thục do không đủ các quy định về điều lệ trường mầm non trong đó số trường bị đóng cửa vì lý do y tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ năm 2008, thế nhưng đến năm 2010, Sở GD-ĐT vẫn chỉ đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu 80% trường mầm non có cán bộ y tế chuyên trách, 90% trường có phòng, góc y tế theo quy định...
Chính vì xem nhẹ công tác y tế trong nhà trường mà không ít trẻ em phải gánh chịu những thiệt thòi thậm chí là những hậu quả đáng tiếc. Phải chăng đây là hệ quả của việc giơ không cao và đánh cũng không đau?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.