Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi có dân giám sát

Tuấn Kiệt| 23/06/2012 06:06

(HNM) - Thời gian gần đây, Báo Hànộimới đã liên tiếp phản ánh về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội với sự gia tăng về cả số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng.

Đáng chú ý như công trình nhà ở kết hợp văn phòng và bảo tàng tại địa chỉ 55A-55B phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) xây dựng sai 4 tầng so với giấy phép và thiết kế được duyệt; công trình xây dựng không phép 5 tầng của Học viện Phật giáo Việt Nam tại xã Phù Linh (Sóc Sơn), Sở Xây dựng Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng. Trên toàn thành phố, theo Sở Xây dựng Hà Nội, 17 tháng qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó có trên 1.000 trường hợp xây không phép trên đất nông nghiệp, đất công; gần 560 trường hợp cơi nới, lấn chiếm, xây dựng không phép và 106 vụ xây sai với giấy phép được cấp. Hiện còn tồn đọng 788 trường hợp vi phạm đang trong quá trình xử lý. Đó là những con số không hề nhỏ.

Với hầu hết các vụ vi phạm xảy ra, người ta vẫn hay viện lý do rằng thiếu cơ chế, chế tài, rằng đã phân cấp này kia, rằng địa bàn phức tạp… Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì một trong những nguyên nhân khiến trật tự xây dựng trở nên phức tạp là do sự quản lý lỏng lẻo, chưa tròn trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Việc hầu hết các địa phương còn chưa minh bạch, chưa có cơ chế công khai các quyết định cấp phép xây dựng để người dân giám sát cũng là một lý do không nhỏ.

Dĩ nhiên, không phải tất cả các địa phương đều có chung một thực trạng như vậy. Điển hình như quận Long Biên đã có nhiều cách làm hay giúp cho công tác quản lý trật tự xây dựng đạt được những hiệu quả tích cực. Là quận vốn có tiếng phức tạp về quản lý trật tự xây dựng, nhất là khu vực dân cư vùng bãi từ nhiều năm đã được cấp "sổ đỏ", nhưng lại không được cấp phép xây dựng, đẩy người dân vào tình thế biết là vi phạm nhưng vẫn phải làm, còn cơ quan quản lý thì gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, với quyết tâm và cách làm đột phá, Long Biên đã sớm thiết lập được một hành lang cho công tác này. Có thể nói, những cái khó trong quản lý trật tự xây dựng ấy đã được chính quyền quận tháo gỡ từ mấy năm trước. Ở những vùng đất bãi như Ngọc Thụy, Cự Khối, Long Biên… được quận chủ trương thỏa thuận giữa chính quyền và các trường hợp có nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà để đề xuất cơ chế có lợi, hợp tình, hợp lý cho người dân. Trên cơ sở nguyên tắc xây dựng phải có kiểm soát, quận Long Biên đã thực hiện rất tốt cơ chế giám sát của nhân dân. Các hồ sơ xin cấp phép xây dựng đều được niêm yết công khai để nhân dân kiểm tra, giám sát. Các công trình xây dựng trên địa bàn nếu không có giấy phép được niêm yết tức là không phép. Chính nhờ hoạt động giám sát chặt chẽ, quyết liệt của người dân mà các chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp có ý thức trách nhiệm hơn trong quá trình triển khai dự án, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định.

Được biết, Hà Nội vừa quyết định thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm trật tự xây dựng của UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Có thể cách làm của Long Biên là một kinh nghiệm tốt để các quận, huyện khác tham khảo. Tổ chức tốt công tác giám sát của cộng đồng là biện pháp hữu hiệu góp phần đẩy mạnh thực hiện cơ chế dân chủ, "lấy dân làm gốc", tạo điều kiện cho mọi người dân được tham gia trực tiếp vào việc giám sát giúp chính quyền quản lý tốt hơn, giảm bớt những vụ vi phạm trật tự xây dựng tràn lan đang gây nhiều bức xúc như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi có dân giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.