Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi cơ chế đã thông…

Nguyễn Đức| 25/06/2010 08:09

(HNM) - Quốc lộ (QL) 32, đoạn Cầu Diễn - Nhổn chỉ dài hơn 4km, nhưng có vai trò đặc biệt tại khu vực phía tây thành phố. Tuy nhiên, nhiều năm qua, giao thông trên đoạn đường này thực sự khó khăn, thường xuyên ách tắc bởi đường vốn nhỏ, hẹp lại xuống cấp nghiêm trọng.

Đoạn đường Cầu Diễn - Nhổn đang thi công. Ảnh: Đàm Duy


Ngày 30-10-2008, dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp QL 32 được khởi công với số vốn đầu tư khoảng 891 tỷ đồng và được xác định là dự án hoàn thành chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau một thời gian dài trì trệ do nhiều lý do khác nhau, đến nay khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được tháo gỡ. Các ngành chức năng đang chạy đua với thời gian để hoàn thành khối lượng công việc còn bề bộn…

Khoảng 70% số hộ đã bàn giao mặt bằng

Ngay từ ngày khởi công, cả chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương đã thực sự lo lắng cho công tác GPMB được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Đoạn Cầu Diễn - Nhổn chỉ dài hơn 4km, nhưng liên quan đến hơn 1.200 hộ dân, 40 cơ quan và thực tế đã chứng minh điều đó, dù thành phố luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện GPMB. Thời gian chầm chậm trôi qua, trong khi đoạn QL 32 trên địa phận Hà Tây (cũ) đã hoàn thành, đưa vào khai thác thì đoạn Cầu Diễn - Nhổn vẫn ngổn ngang, làm thành nút thắt trên con đường huyết mạch. Để tập trung về một mối nhằm đẩy nhanh tiến độ, từ tháng 9-2009, vai trò chủ đầu tư đã được chuyển từ Bộ GTVT về cho UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, chính sách GPMB liên tục có sự thay đổi, nhất là sau khi Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ GPMB tại đây. Theo lãnh đạo UBND huyện Từ Liêm, trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các hộ dân có nhiều ý kiến về chính sách do hiểu một số văn bản hướng dẫn không thống nhất. Ngày 29-4, Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội đã có Tờ trình số 268/TTr-BCĐ gửi UBND TP, đề nghị cho áp dụng bổ sung chính sách tái định cư khi thực hiện GPMB của dự án. Ngày 19-5, UBND TP đã có văn bản số 3485/UBND-TNMT chấp thuận đề nghị của Ban Chỉ đạo GPMB TP tại tờ trình về việc bán nhà tái định cư cho một số hộ dân khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án.

Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho biết, chủ trương của TP trong văn bản nói trên đã giúp công tác GPMB tiến triển thuận lợi. UBND huyện yêu cầu lãnh đạo các xã, thị trấn đến từng hộ dân để vận động, thuyết phục và đã nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo nhân dân. Đến nay, huyện Từ Liêm đã xác định nguồn gốc, lập phương án GPMB, công bố cho 100% các hộ. Huyện cũng đang khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt các phương án. Cùng với đó, huyện cũng liên tục tổ chức bốc thăm tái định cư với số lượng lớn cho các hộ. Theo ông Lê Văn Thư, đây là những đợt bốc thăm tái định cư nhiều nhất ở huyện từ trước đến nay (ngày 15-6 đã tổ chức bốc thăm cho khoảng 230 hộ, ngày 21-6 bốc thăm cho 200 hộ...). Được biết, đến nay đã có khoảng 70% số hộ bàn giao mặt bằng. Ông Thư cho biết, Từ Liêm sẽ phấn đấu hoàn thành công tác GPMB theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP.

Có mặt bằng, thi công ngay

Theo thiết kế, đoạn Cầu Diễn - Nhổn sẽ được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường đô thị cấp 1, rộng 50m gồm 8 làn xe chạy với tốc độ 60km/h; dải phân cách giữa rộng 3m dành cho tuyến đường sắt thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội, vỉa hè mỗi bên rộng 7,5m. So với các dự án khác, việc thi công trên đoạn Cầu Diễn - Nhổn gặp rất nhiều khó khăn do vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông, trong khi mật độ phương tiện rất lớn. Ngay từ ngày khởi công, chủ đầu tư và nhà thầu đã xác định phải thực hiện theo phương châm có mặt bằng đến đâu thi công đến đó để bảo đảm tiến độ. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư), đây cũng là quan điểm chỉ đạo của đơn vị. Tại gói thầu số 2, 3, nhà thầu đã thảm bê tông átphan được 700m trên một nửa mặt cắt đường, tổ chức cho các phương tiện đi vào đường mới để đào bóc, thi công mặt đường cũ. Hầm đi bộ H1, tại km10+769 đã đóng xong cọc ván thép, đào hố móng và thi công các công đoạn tiếp theo.

Riêng hạng mục cấu kiện đúc sẵn, các nhà thầu đã tranh thủ thời gian chờ đợi, hoàn thành tới 95%, sẽ thi công đồng loạt khi có mặt bằng. Nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Bộ GTVT) cho biết thêm, tuy gặp nhiều khó khăn do vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông, công trường chật hẹp do chưa được bàn giao cả tuyến, nhưng xác định đây là công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên ngay khi nhận được mặt bằng sạch, nhà thầu đưa máy móc, thiết bị cùng lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, thi công tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo về các công trình hạ tầng ngầm, nổi như đường điện, nước, cáp quang… Để bảo đảm tiến độ, cả phía chủ đầu tư và nhà thầu kiến nghị huyện Từ Liêm thực hiện công tác di chuyển hạ tầng song song với thu hồi GPMB nhằm tận dụng những ngày thời tiết tốt.

Chỉ còn hơn 100 ngày nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khối lượng công việc còn lại là rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn nữa của cả chính quyền địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi cơ chế đã thông…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.