Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khép lại chương trình do thám nhiều tranh cãi

Thùy Dương| 05/06/2015 06:24

(HNM) -

"Đạo luật nước Mỹ tự do" đã kết thúc chương trình do thám gây tranh cãi của NSA.



Trước đây, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) có thẩm quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và internet phải cung cấp siêu dữ liệu của các khách hàng Mỹ. Căn cứ pháp lý để NSA thu thập siêu dữ liệu là Điều 215 của Đạo luật Chống khủng bố (gọi tắt là Luật PATRIOT) được phê chuẩn ngày 26-10-2001, sau khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Luật được sửa đổi vào năm 2006 và năm 2011 nhằm tăng quyền hạn của NSA, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong công tác chống khủng bố. Tuy nhiên, sau khi "Đạo luật nước Mỹ tự do" được thông qua, chương trình do thám của NSA sẽ bị điều chỉnh đáng kể. Trong vòng 6 tháng, các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật thuộc Chính phủ Mỹ sẽ không thể thu thập dữ liệu điện thoại quy mô lớn, thay vào đó các công ty dịch vụ điện thoại sẽ đảm nhận công việc này và nhà chức trách có thể tiếp cận các dữ liệu khi được phép của một tòa án phụ trách lĩnh vực chống khủng bố. Luật mới sẽ trao cho NSA thẩm quyền nghe lén các nghi can hoạt động theo kiểu "sói đơn độc", những kẻ chỉ tiến hành khủng bố một mình chứ không thuộc tổ chức nào. Tuy nhiên, đạo luật mới chỉ cải cách cách thức thu thập dữ liệu ở Mỹ và vẫn giữ nguyên quy trình NSA thu thập dữ liệu ở nước ngoài.

Đạo luật nước Mỹ tự do là cải cách luật pháp quan trọng đầu tiên đối với chương trình giám sát của Mỹ kể từ những tiết lộ gây sốc của "người thổi còi" Edward Snowden từ hai năm trước về hoạt động nghe lén gây tranh cãi của NSA. Ngay khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy cho rằng đây là thời khắc lịch sử, là cuộc chấn chỉnh lớn đầu tiên đối với các luật do thám trong nhiều thập kỷ. Văn bản này lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà cung cấp dịch vụ internet và điện thoại như Yahoo, Microsoft. Tổ chức Bảo vệ quyền công dân Liên minh Tự do dân sự Mỹ (ACLU) nhận xét đây là đạo luật cải cách quan trọng nhất về công tác giám sát người dân kể từ năm 1978. Cựu nhân viên NSA E.Snowden gọi đạo luật trên là bước đi quan trọng đầu tiên để chấm dứt hoạt động do thám "vô tội vạ" của NSA. Những người ủng hộ quyền tự do cá nhân ở Mỹ cũng khẳng định đây là một động thái cần thiết cho dù văn bản này chưa thật sự triệt để như mong muốn.

Để "Đạo luật nước Mỹ tự do" được ban hành, các nghị sĩ của Thượng viện Mỹ đã phải trải qua những tuần tranh luận căng thẳng, dù Hạ viện đã thông qua từ ngày 13-5. Lý do khiến các Thượng nghị sĩ Mỹ quan ngại là việc cho phép kết thúc các chương trình do thám quan trọng có thể làm tăng mối đe dọa khủng bố. Giám đốc CIA James Clapper cho biết, việc thông qua đạo luật mới sẽ khiến nước Mỹ "để tuột mất khả năng quan trọng hỗ trợ việc phát hiện ra những tổ chức khủng bố nước ngoài tiềm tàng". Tuy nhiên, với những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền Tổng thống B.Obama, cuối cùng đạo luật đã qua được "cửa ải" Thượng viện Mỹ với 67 phiếu thuận và 32 phiếu chống.

Với quyết tâm thực hiện "Đạo luật nước Mỹ tự do", Washington đã khép lại chương trình theo dõi gây tranh cãi lớn nhất do NSA tiến hành sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Đây cũng là một thắng lợi lớn về chính trị của ông chủ Nhà Trắng trong nỗ lực chấn chỉnh hoạt động của NSA và các cơ quan an ninh khác sau một loạt vụ bê bối khiến mối quan hệ của Mỹ với nhiều đồng minh rơi vào sóng gió.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khép lại chương trình do thám nhiều tranh cãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.