(HNM) - Sáng tạo, tìm tòi cái mới, cái lạ không chỉ làm cho nghệ thuật phong phú hơn mà nó còn thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển. Nếu nghệ sỹ đi theo lối mòn, lặp lại chính mình, thiếu sáng tạo thì nghệ sỹ đó sớm muộn không còn chỗ trong lòng khán giả. Ai cũng biết điều ấy, những người hoạt động nghệ thuật lại càng biết hơn. Thế nhưng...
Mới đây, nhóm Đại - Lâm - Linh (Ngọc Đại - Thanh Lâm - Linh Dung) hát 4 bài (Nuối tiếc, Dệt tầm gai, Mùa đông và Cây nữ tu) trong chương trình Bài hát Việt (VTV) đã gây ra phản ứng khác nhau. MC Anh Tuấn nhận xét: Nhạc của nhóm này rất "quái", một số không hiểu, số khác lại phê phán, chê bai... chuyện đó cũng là lẽ thường. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có ý kiến cho rằng thứ nhạc ấy không nên có trong chương trình Bài hát Việt và đại ý, nó chỉ nên biểu diễn ở một chỗ nào đó, dành cho khán giả thích nó như kiểu Đáo xuân của họa sỹ Đào An Khánh. Không bàn về hay dở nhạc của Ngọc Đại, song chắc chắn nó là thứ lạ và chưa có trong âm nhạc Việt Nam. Nhóm Đại - Lâm - Linh cũng như nhiều nhóm nhạc, ca sỹ khác đang biểu diễn tại Việt Nam, vậy hà cớ gì mà ý kiến rằng không nên để nhóm biểu diễn trên VTV? Chẳng lẽ vì họ hú hét, chẳng lẽ vì không thích họ?
Thực ra chuyện ý kiến kiểu như vậy có từ lâu, không chỉ riêng với nhóm Đại - Lâm - Linh. Cách đây khoảng sáu, bảy năm, đạo diễn Lê Hoàng làm phim "Gái nhảy", bộ phim quay lại dòng phim thương mại vốn đã xuất hiện ở Việt Nam đầu những năm 90 thế kỷ trước và bị dư luận phê phán kịch liệt. Lý do khiến Lê Hoàng làm phim thương mại vì dòng phim này chiếm tới 99% các phim sản xuất ở Holywood và được chiếu khắp nơi trên thế giới. "Gái nhảy" đã mang lại doanh thu cực lớn cho hãng Giải Phóng. Thừa thắng xốc tới, ông làm tiếp "Lọ lem hè phố", một sự tiếp nối dòng phim thương mại nhưng không đơn thuần tính giải trí, phim có tính giáo dục và mang ý nghĩa xã hội. "Lọ lem hè phố" được thị trường chấp nhận. Thế nhưng người ta không để yên Lê Hoàng và khán giả. Họ lập hẳn diễn đàn và chỉ trích đăng những ý kiến phê phán. Phê phán theo kiểu chụp mũ. Nghĩa là không phân tích, chứng minh ngôn ngữ điện ảnh ra sao, cảnh quay, diễn xuất diễn viên thế nào... mà đưa luôn ra nhận định mang tính cá nhân, thiếu khách quan. Họ cũng lờ hết tất cả cái hay, cái được của bộ phim. Phim "2 trong 1" của hãng Thiên Ngân cũng bị chụp mũ như vậy. Cách đây không lâu ca sỹ Thanh Lam ra album nhạc Trịnh Công Sơn. Chị không đi theo con đường của ca sỹ đã hát và thành danh trước đó. Chị làm mới nhạc Trịnh theo kiểu của riêng chị. Thế là những người vốn quen nghe Khánh Ly hát ào ào phê phán Thanh Lam là "phá" nhạc Trịnh. Và người ta cũng lập diễn đàn chỉ cho đăng ý kiến một chiều giống như chê phim của Lê Hoàng. Có thể đưa ra rất nhiều ví dụ về phê phán nghệ thuật kiểu như vậy.
Khen chê là chuyện bình thường trong đời sống nghệ thuật. Nhưng chê kiểu chụp mũ từng làm nhiều nghệ sỹ khốn đốn. Trước kia người ta quan niệm, khen khó hơn chê vì tìm cái dở dễ hơn phát hiện cái hay, cái đẹp ẩn giấu trong tác phẩm. Còn bây giờ khi trình độ tiếp nhận nghệ thuật của khán giả có sự thay đổi đáng kể, nhiều chỗ để đăng đàn hơn thì khen và chê đều không dễ. Rất nhiều khán giả có thể biết ý kiến chê, khen đó đúng hay không đúng, động cơ phía sau là gì... Song dù khen hay chê cũng phải để người được khen và bị chê tâm phục khẩu phục. Như thế mới giúp ích cho nghệ thuật nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.