Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khe cửa hẹp gỡ bất đồng

Trung Hiếu| 09/06/2012 07:16

(HNM) - Trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận khung nhằm nối lại hoạt động giám sát chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa nhóm họp (ngày 8-6), tại Vienna (Áo).


Cuộc gặp giữa IAEA và Iran tại Vienna (Áo) thu hút sự theo dõi của giới truyền thông quốc tế.

Đại diện IAEA tham gia đàm phán gồm Trưởng nhóm thanh sát Herman Nackaerts và Phó Tổng Giám đốc Rafael Grossi, trong khi đại diện của Iran là Đại sứ tại IAEA Ali Asghar Soltanieh. Tại cuộc gặp, những vấn đề như việc IAEA tiếp cận các cơ sở, tài liệu và chuyên gia hạt nhân của Iran đã chính thức được đưa ra thảo luận. Trước cuộc gặp, ngày 4-6, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano mong muốn hối thúc được Tehran ký một thỏa thuận nhằm làm rõ các vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Dư luận cho rằng, kết quả tích cực của cuộc gặp này sẽ là tiền đề quan trọng cho cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 (5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ, cùng với Đức), dự kiến diễn ra ở Mátxcơva vào ngày 18, 19-6 tới.

Thực tế, từ cuối tháng 5 vừa qua, quan hệ Iran - IAEA đã có những khởi động thuận lợi. Hai bên đang tìm kiếm một thỏa thuận nhằm tiếp cận nhanh chóng và không điều kiện các cơ sở, con người và những tài liệu liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Chuyến thăm Tehran cuối tháng 5-2012 của ông Y. Amano cho thấy hy vọng đã mở cho một thỏa thuận giữa IAEA với Iran nhằm tìm cách giải quyết những tranh cãi liên quan chương trình hạt nhân của Tehran. Một phần của thỏa thuận này có liên quan tới việc tiếp cận cơ sở quân sự Parchin, nơi IAEA nghi ngờ Tehran đang có các hoạt động sản xuất vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, đánh giá về báo cáo của IAEA mới được công bố, phái viên của Iran tại IAEA Ali Soltanieh đã bày tỏ quan điểm rằng, bản báo cáo là "bằng chứng" cho thấy chương trình hạt nhân của Tehran là vì hòa bình cũng như sự hợp tác đầy đủ của Tehran với IAEA. Theo đó, báo cáo cho biết các dấu vết phát hiện được tại nhà máy làm giàu nhiên liệu hạt nhân Fordo là số urani được làm giàu ở mức độ tinh khiết 27%. Nhưng, các nhà phân tích thông báo rằng đây có thể chỉ là sự cố kỹ thuật trong quá trình xử lý và không nhất thiết là dấu hiệu của một nỗ lực làm giàu urani trên mức độ 20%.

Hy vọng mới đã mở, tiếp sau cuộc đàm phán gặt hái nhiều kết quả thuận lợi giữa Iran và nhóm P5+1, trong hai ngày (23, 24-5) tại Baghdad (Iraq). Vấn đề ở đây, theo đánh giá của giới quan sát là thiện chí của hai bên để cùng thúc đẩy tiến trình còn nhiều dang dở này.

Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như mong đợi. Ngay trước thềm cuộc gặp Iran - IAEA vừa diễn ra, các nước phương Tây đã tỏ ra bi quan về kết quả cuộc gặp này vì cho rằng Tehran có thể không nhượng bộ trước những yêu cầu của IAEA. Trước đó, ngày 6-6, ông Ali Asghar Soltanieh đã lên tiếng chỉ trích các nước phương Tây đã đồn đoán về khả năng Tehran bí mật theo đuổi một chương trình vũ khí nguyên tử; đồng thời tái khẳng định mục đích chương trình hạt nhân của Iran chỉ "thuần túy phục vụ mục đích hòa bình". Cùng ngày, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã cáo buộc phương Tây đang "lãng phí thời gian" trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran.

Phát biểu tại Bắc Kinh, Trung Quốc, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), ông M. Ahmadinejad cho biết, Iran sẵn sàng theo đuổi các cuộc đàm phán tại Mátxcơva (Nga), thậm chí tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và đã đưa ra những đề xuất mới... Tuy không đề cập trực diện, nhưng phát biểu của ông M. Ahmadinejad ám chỉ cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Mátxcơva và những cáo buộc của Tehran trước đó khi cho rằng các cường quốc thuộc Nhóm P5+1 đang chậm trễ trong công tác chuẩn bị cho cuộc đàm phán. Trong khi đó, nhà đàm phán Iran, ông Gialili cho rằng Iran nghi ngờ thái độ của các cường quốc nhằm tìm kiếm thành công tại cuộc đàm phán sắp tới ở Mátxcơva.

Do đó, dù có dấu hiệu tích cực nhưng cuộc gặp giữa Iran và IAEA vừa khép lại cũng chỉ giúp hé mở cánh cửa hẹp cho vòng đàm phán sắp tới. Trong một động thái mới, ngày 7-6, thảo luận với người đồng cấp M. Ahmadinejad bên lề Hội nghị SCO, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Mátxcơva ủng hộ chương trình hạt nhân của Tehran miễn là nó phục vụ mục đích hòa bình. Đây được xem là điều kiện quan trọng mang lại hy vọng mới cho vòng đàm phán sắp tới giữa Iran và P5+1.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khe cửa hẹp gỡ bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.