(HNMO) - Ngày 1-3, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các siêu thị lớn và cửa hàng bán thuốc tân dược, mặt hàng nước rửa tay sát khuẩn rất dồi dào, phong phú với nhiều mẫu mã, chủng loại.
Chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên siêu thị Hưng Thịnh trên đường Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy) cho biết, nhu cầu nước rửa tay khô sát khuẩn đã bão hòa thị trường. Siêu thị nhập về nhiều chủng loại như nước rửa tay khô diệt khuẩn Fresh dung tích 500ml của Nhật Bản (giá 149.000 đồng), chai của thương hiệu Vnherb Clean loại 500ml, hương tràm – ngọc lan, diệt đến 99,99% vi khuẩn (giá 160.000 đồng), hay những chai nhỏ, tiện lợi có giá 50.000 đồng. Tuy nhiên lượng tiêu thụ rất chậm, không giống như những ngày đầu dịch, hàng không có để bán... Trong khi đó, trên các trang thương mại điện tử, mặt hàng nước rửa tay khô cũng giảm về đúng giá so với thời điểm trước khi diễn ra cơn sốt.
Về tình hình cung ứng khẩu trang của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngày 1-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, trong tuần từ 24-2 đến 1-3, chung tay với cả nước phòng, chống dịch Covid-19, Vinatex đã quyết định tiếp tục đầu tư mạnh hơn vào sản xuất khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn.
Tuần qua các đơn vị trong Tập đoàn như: Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân (cung ứng cho thị trường miền Bắc), Công ty cổ phần Dệt may Huế (thị trường miền Trung), Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang (thị trường miền Trung và miền Nam), Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Phương (thị trường phía Nam)… đã tích cực sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn để cung ứng cho các doanh nghiệp may khẩu trang phòng, chống dịch. Sản lượng sản xuất đạt tới gần 40 tấn vải dệt kim kháng khuẩn/ngày và 9 tấn vải không dệt/ngày.
Các đơn vị của Vinatex tuần qua cũng đã tăng năng suất lên đến 500 chiếc khẩu trang/công nhân/ngày. Tính đến ngày 29-2, hơn 5,5 triệu khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn đã được đưa ra thị trường. Dự kiến trong tháng 3, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ cung ứng tiếp 12 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn cũng như tiếp tục duy trì công suất gần 40 tấn vải dệt kim kháng khuẩn/ngày.
Trong khi đó, liên quan đến công tác quản lý thị trường, theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), từ ngày 31-1 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 5.417 vụ vi phạm liên quan đến thiết bị y tế, các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền xử phạt lên tới trên 1,66 tỷ đồng. Trong ngày 29-2, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 63 vụ; xử lý 5 vụ với số tiền phạt gần 3 triệu đồng.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, dự báo trong thời gian tới, nhu cầu các trang thiết bị y tế phòng dịch tiếp tục ở mức rất cao, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng tập trung kiểm soát, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm quy định về chất lượng, nhằm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân về các trang thiết bị y tế và mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.