Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩu phần ăn của người Mỹ mang lại thảm họa tiềm ẩn cho cả thế giới

Mai Chi| 25/04/2016 09:32

(HNMO) - Tình trạng đói nghèo trên thế giới ngày càng được cải thiện nhờ những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự thịnh vượng ấy lại đi kèm với nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao – kéo theo đó là một nguy cơ khôn lường.


Theo dự đoán, dân số thế giới sẽ tăng vọt lên mức 9,6 tỷ người vào năm 2050. Do đó, sản lượng lương thực thực phẩm phải tăng thêm 70% trên phạm vi toàn cầu và 100% đối với các nước đang phát triển để có thể nuôi sống số lượng người khổng lồ đến vậy.

Đó cũng chính là lý do làm nảy sinh nhiều vấn đề sống còn liên quan tới các loại thực phẩm từ thịt: Sản xuất một calo thịt cần lượng nước gấp 10 lần một calo cây lương thực. Và thực tế, nguồn dự trữ nước trên toàn thế giới đang dần trở nên cạn kiệt.

Đây là những thông tin được đăng trên tạp chí Reveal, dẫn lời nhiều lãnh đạo cấp cao của Nestlé – công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới – cung cấp cho đại diện của đại sứ quán Mỹ ở thành phố Bern, Thụy Sĩ trước tháng 4/2009.

Vắt kiệt nguồn nước

Thông tin trên chỉ là một phần nhỏ trong cuộc điều tra về sự khan hiếm nguồn nước đang được các chuyên gia rất quan tâm.

Herbert Oberhaensli – cố vấn các vấn đề kinh tế của Nestlé - cho biết nguồn nước trên trái đất sẽ cạn kiệt vào đầu thế kỷ 21 nếu tất cả mọi người có chế độ ăn giống người Mỹ: “Trung bình người Mỹ tiêu thụ khoảng 3600 calo thực phẩm mỗi ngày, trong đó chủ yếu là thịt. Nếu cả thế giới cũng ăn theo chế độ này, nguồn nước sạch toàn cầu sẽ bị cạn kiệt khi dân số đạt tới ngưỡng 6 tỷ người – tức là vào năm 2000”.

Các số liệu của Nestlé vẽ ra một viễn cảnh đáng lo ngại, trong đó một phần ba dân số thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước ngọt vào năm 2025. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng với đầy rẫy những thảm họa tiềm tàng vào năm 2050.

Chúng ta có thể làm gì để cứu trái đất?

Hạn hán và cạn kiệt nguồn nước sạch là vấn đề mà toàn thế giới phải đối mặt. Lượng phát thải khí nhà kính đang ở mức cao nhất trong lịch sử nhân loại. Nước biển dâng cao và nhấn chìm nhiều vùng đất. Tình trạng thiếu hụt lương thực vẫn là nỗi lo thường trực.

Nhưng bạn cần nước và đất để có lương thực. Vậy chúng ta có thể làm gì để chung tay cải thiện tình trạng này? Tắm nhanh hơn để tiết kiệm nước? Đi xe đạp để hạn chế lượng khí thải và bảo vệ môi trường?

Đó đều là những ý tưởng tốt. Nhưng về lâu dài, điều bạn có thể làm chính là giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn thịt ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Đây là một việc làm có căn cứ xác thực.

Theo một báo cáo năm 2006 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ngành công nghiệp sản xuất thịt chiếm 8% lượng nước tiêu thụ trên toàn cầu. Theo ước tính, cần khoảng 13.600 lít nước để sản xuất ra 1kg thịt.

Thêm vào đó, ngành chăn nuôi là một trong những tác nhân chính gây ra ô nhiễm nguồn nước. Chất thải, thuốc kháng sinh, phân bón, thuốc trừ sâu được sử dụng cho các loại cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, vi khuẩn… bị tích tụ và nhiễm vào nguồn nước, đôi khi là cả nguồn nước dùng cho sinh hoạt.


Đó là chưa kể đến những tác động của ngành công nghiệp sản xuất thịt đến quá trình nóng lên toàn cầu. 18% lượng khí thải nhà kính là do ngành chăn nuôi gây ra, nhiều hơn lượng khí thải do giao thông vận tải trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, khí metan – khí thải từ các trang trại chăn nuôi – cũng có thể khiến trái đất nóng lên gấp hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn lần so với cacbon dioxit.


Các đồng cỏ và đất trồng lương thực phục vụ cho chăn nuôi chiếm khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp, tương đương với 30% diện tích đất trên toàn thế giới.

Theo FAO, khi dân số và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, lượng thịt được sản xuất trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi, từ 229 triệu tấn vào năm 2000 tới 465 triệu tấn vào năm 2050.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn chay không chỉ giúp giảm 2/3 lượng phát thải khí nhà kính mà còn ngăn chặn từ 5 – 8 triệu trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và béo phì.

Nếu bạn lo lắng về việc không đảm bảo đủ chất đạm khi không ăn thịt, bạn có thể tìm các loại thực phẩm thay thế khác như các loại đậu.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả mọi người phải loại bỏ hoàn toàn thịt ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Các sản phẩm từ động vật cung cấp nhiều vitamin, chất dinh dưỡng và chất béo thiết yếu cho sự phát triển của trẻ em và phụ nữ mang thai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩu phần ăn của người Mỹ mang lại thảm họa tiềm ẩn cho cả thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.