Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát vọng đổi mới

Hữu Thọ| 02/01/2011 05:28

LTS: Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới. Thủ đô Hà Nội và đất nước đã có những bước tiến diệu kỳ. Từ một nền kinh tế trì trệ, quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam đã vươn lên trở thành một điểm nhấn trên bản đồ kinh tế châu Á...

Nhân Đại hội XI của Đảng chuẩn bị khai mạc, Báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết về những năm tháng trước và sau khi diễn ra Đại hội VI của Đảng - Đại hội đổi mới, khi Hà Nội cùng cả nước "Căng lồng ngực, hít sâu làn gió mới. Gạt trì trệ, quan liêu, xếp bao cấp lùi vào quá khứ”. Đổi mới tư duy là quy luật vận động phát triển và là sự lựa chọn sáng suốt của Đảng ta. Thành tựu trong 25 năm đổi mới là những bằng chứng sống động minh chứng cho điều đó. Và Đại hội lần thứ XI của Đảng sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới để xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phần 1: Những người đi tiên phong

Bài 1: “Những việc cần làm ngay” vẫn là vấn đề thời sự nóng hổi
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI), bắt đầu chỉ đạo triển khai thực hiện công cuộc đổi mới được xác định từ ĐH lần thứ VI của Đảng. Sự đóng góp của đồng chí trong những năm giữ trọng trách là người lãnh đạo cao nhất trên nhiều mặt, nhưng trong giới báo chí và cả xã hội đều ghi nhớ như một sự kiện lịch sử chuyên mục "Những việc cần làm ngay" và câu "Im lặng đáng sợ" được đăng công khai trên Báo Nhân Dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội. Ảnh: Tư Liệu


Lúc đó, tôi công tác ở Báo Nhân Dân. Theo sự phân công, mỗi buổi tối, một đồng chí lãnh đạo sẽ thường trực, có trách nhiệm giải quyết mọi thông tin từ 18 giờ đến 23 giờ 30 là thời gian cuối cùng cắt mọi nguồn tin, vì báo lúc đó còn in theo phương pháp cũ, phải xếp chữ, đúc phông, đổ chì, cho nên không thể kéo dài hơn để kịp phát hành báo vào 5 giờ sáng.

Cải tạo xã hội cần có những người dám “nói và làm”, dám dũng cảm “nhảy vào lửa”


Những bài viết ngắn gọn mà rực lửa chiến đấu của tác giả NVL đã tác động rất mạnh đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều người đã "dịch" ba chữ N.V.L thành các từ "nói và làm", "nhảy vào lửa"... Đúng là làm cách mạng, cải tạo xã hội luôn luôn cần phải có những người dám nói và làm, dám dũng cảm nhảy vào lửa...

Từ những bài báo này, thông điệp mà xã hội tiếp nhận được là người đứng đầu của Đảng cảnh báo về sự hệ trọng và cấp bách của cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng và trong xã hội. "Phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy". Vào thời điểm ấy, những bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành tiêu điểm chú ý của toàn xã hội. Sự hấp dẫn, cuốn hút từ các bài báo "Những việc cần làm ngay" không phải vì cái hay của văn chương, cái mới lạ về bút pháp, phong cách, mà trước hết là bởi các sự kiện, các vấn đề được đề cập đã thực sự nói đúng những vấn đề trọng tâm, bức xúc nhất trong đời sống xã hội, và bởi nhiều sự phê bình, đấu tranh được nêu lên trong các bài viết của đồng chí có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, rõ ràng.

(Trích bài viết của đồng chí PHẠM QUANG NGHỊ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đăng trên Tuần Việt Nam tháng 7-2010).

Tối và đêm ngày 24-5-1987 là phiên tôi trực Ban Biên tập. Vào khoảng 17 giờ 30, khi mọi người đã rời cơ quan về nhà, tòa soạn chỉ còn tôi và các đồng chí trong Ban Thư ký trực buổi đó, thì đồng chí Viên, thường trực cơ quan ở cổng 71 phố Hàng Trống, đưa vào một phong thư, nói là của một người đứng tuổi, đi ô tô Lada màu sữa đến gửi Ban Biên tập.

Phong bì không đóng dấu hỏa tốc nhưng của Văn phòng Trung ương Đảng, nên tôi phải mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay (bản gốc còn lưu trữ tại báo). Bức thư ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ "gửi một bài báo, nếu Ban Biên tập thấy được thì đăng". Bài báo có đầu đề "Những việc cần làm ngay", ký tên N.V.L. Tôi vội đi qua sân, chạy ra chỗ thường trực hỏi đồng chí Viên, đồng chí mô tả một người cao cao, xương xương, nói giọng miền Bắc, đi theo có một đồng chí nói giọng Nam bộ, đi xe Lada màu sữa. Vì tôi được Ban Biên tập phân công là đặc phái viên của báo bên cạnh Tổng Bí thư, có dịp làm việc với đồng chí, cho nên tôi nghĩ là chính đồng chí Tổng Bí thư đưa bài tới báo, vì trong Bộ Chính trị lúc đó chỉ có đồng chí không đi xe Vônga theo tiêu chuẩn, mà đi xe Lada theo tiêu chuẩn cho thứ trưởng, phó ban của Đảng. Người nói tiếng Nam bộ có thể là đồng chí bác sĩ hoặc đồng chí bảo vệ thường đi với đồng chí. Lúc đó chỉ đoán vậy thôi, nhưng sau thì được biết đúng như vậy.


Như vậy là một việc rất quan trọng. Cho nên dù thường trực, được ủy quyền giải quyết công việc sau giờ làm việc, nhưng tôi cũng tranh thủ ý kiến đồng chí Phó Tổng Biên tập Hồ Dưỡng được bố trí ở trong cơ quan. Và chúng tôi quyết định đăng ngay số báo ngày hôm sau (25-5-1987), trên trang nhất, đóng khung, cũng là ngày mở đầu chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên Báo Nhân Dân.

Lúc đó Nghị quyết Trung ương Đảng lần 2 khóa VI ra đời được hơn một tháng. "Bốn giảm", trong đó giảm tăng giá là một mục tiêu quan trọng để giữ tình hình ổn định trong quá trình thực thi chính sách đổi mới, nhưng tình hình đang diễn biến xấu. Giá cả tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có "nguyên nhân bất chính" như bài báo đã nêu.

Bài báo yêu cầu "các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình...) phải phản ánh và lên án, phải chỉ đích danh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương, nghị quyết trung ương...", "các cơ quan pháp luật phải lôi các vụ, việc làm sai trái lớn để nghiêm trị và kết quả thế nào phải đưa rõ lên các cơ quan ngôn luận cho nhân dân biết".

Nhắc lại hoàn cảnh ra đời, từ bài đầu tiên trên chuyên mục "Những việc cần làm ngay" để hiểu thêm ý định của tác giả, cho rằng muốn thực hiện được các nghị quyết của Đảng thì phải làm nhiều việc, trong đó có việc chống tiêu cực, vì có những tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân, cục bộ, cố ý không làm theo nghị quyết của Đảng. Khởi đầu thì như thế, nhưng tiếp tục đọc những bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên Báo Nhân Dân, thấy rõ tinh thần tích cực chống tiêu cực thẳng thắn và cụ thể của tác giả (...).

Công cuộc chống tiêu cực được các ngành, các giới, nhất là báo chí triển khai mạnh mẽ. Nhiều thư từ tố cáo của công dân gửi đi nhưng không có hồi âm. Cho nên khái niệm "im lặng đáng sợ" như một biểu hiện của bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân mà đồng chí N.V.L. (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) nêu lên đến nay mọi người còn nhớ, vì nó vẫn là căn bệnh kéo dài đến nay, là khái niệm xuất hiện ngay trong bài viết thứ hai của N.V.L. đăng ngày 26-5-1987 trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên Báo Nhân Dân.

Hà Nội những năm đầu đổi mới.


Đây là cuộc đấu tranh do chính Tổng Bí thư ra tay phát động và được hưởng ứng rộng rãi. Cuộc vận động này được đông đảo đồng chí và đồng bào hoan nghênh, nhưng cũng có một số người băn khoăn, lo lắng. Sau này tôi được biết có đồng chí viết tay, có đồng chí trực tiếp góp ý với Tổng Bí thư. Đồng chí cũng biết như vậy, cho nên ngay từ bài thứ hai, đồng chí đã trình bày "Từ lúc chuẩn bị Đại hội VI, Đảng và Nhà nước phát động phong trào nói thẳng, nói thật. Ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình để sửa chữa, trừng phạt nếu cần". Nghĩa là đồng chí N.V.L. nói rõ là mình làm theo Nghị quyết Đại hội Đảng (...).

Nhưng bên cạnh số đông ủng hộ, vẫn có một số người lo lắng, băn khoăn vì đã có bài động chạm tới hành vi của một số cán bộ cao cấp. Cho nên, một lần nữa đồng chí lại phải công khai tỏ thái độ. Trong bài đăng Báo Nhân Dân ngày 10-7-1987 trên chuyên mục quen thuộc đó, đồng chí trình bày thẳng thắn, nói có đồng chí "khuyên tôi nên thôi" vì "có bao nhiêu việc cần làm sao phải hăng hái chống tiêu cực như vậy" nhưng "tôi vẫn cứ viết vì thấy cần quá", "cần đưa các nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy".

Lúc đó, đọc những dòng này trong bài viết đăng báo ngày 10-7-1987 của N.V.L. chúng tôi càng hiểu rằng cuộc đấu tranh chống tiêu cực thật không đơn giản, ngay Tổng Bí thư ra tay mà còn bị cản trở "khuyên nên thôi". Đó là lý do mà Báo Nhân Dân phải đăng xã luận ngày 13-7-1987 "Thiết thực hưởng ứng Những việc cần làm ngay".

Trong những ngày công tác được gần gũi đồng chí Nguyễn Văn Linh, đêm ngủ ở Mộc Hóa (Đồng Tháp Mười), tôi thưa với đồng chí: "Với vị trí của mình, đồng chí có thể chỉ thị làm việc này, việc khác, có thể viết bài ký rõ tên để hiệu lực cao hơn, vì sao đồng chí chọn viết báo và ký bút danh?". Đồng chí cười rồi nói: "Tôi có thể cùng Bộ Chính trị chỉ thị việc này, việc khác, nhưng tác dụng của tờ báo lại khác, tạo ra dư luận xã hội lại có sức mạnh riêng. Còn ký tên tắt để mọi người tham khảo, thấy đúng thì làm, không bị lệ thuộc vào địa vị người viết".

Nghe thế tôi càng hiểu đồng chí rất quan tâm tới báo chí, đánh giá cao vai trò của báo chí. Trong thời kỳ đổi mới, xác định "báo của ai" đã có những thay đổi rất quan trọng, khẳng định báo chí "là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân". Lâu nay nhiều người vẫn hiểu việc khẳng định báo chí còn là "diễn đàn của nhân dân", một sự đổi mới quan trọng, bắt đầu từ Luật Báo chí 1989 và Chỉ thị 08 của Ban Bí thư ngày 31-3-1992.

Nhưng, thưa rằng điều đó đã được khẳng định công khai trên Báo Nhân Dân trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" của đồng chí Nguyễn Văn Linh ngày 24-6-1987, trước đó 5 năm, chỉ rõ báo chí là "diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân", cũng là xuất phát từ quan điểm "lấy dân làm gốc" trong văn kiện Đại hội lần VI của Đảng, mở đầu thời kỳ đổi mới toàn diện (...).

Bài cuối cùng của chuyên mục "Những việc cần làm ngay" đăng ngày 28-9-1990 trên Báo Nhân Dân, nghĩa là chuyên mục này đứng trên Báo Nhân Dân ba năm bốn tháng bốn ngày. Tuy không đều đặn từng ngày, từng tuần nhưng mọi người vẫn coi đó là một chuyên mục rất có giá trị của báo vì biết là đồng chí rất bận, không thể viết thường xuyên. Chúng tôi có lần hỏi đồng chí: "Vì sao anh không viết tiếp?", trong thâm tâm cũng lại lo anh bị ai đó cản trở. Anh trả lời: "Mình bận quá. Vả lại mình viết để "mồi" cho các nhà báo viết tiếp, phải đấu tranh kiên quyết, liên tục vì cuộc đấu tranh này rất quyết liệt và phức tạp".

Vâng, chúng tôi - những nhà báo - sẽ tiếp tục viết, viết để đấu tranh chống tiêu cực, để góp phần "làm cho xã hội đã tốt đẹp, càng tốt đẹp hơn", như trong một bài viết của đồng chí trên chuyên mục quen thuộc đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.