(HNM) - Mới đây tại Hà Nội đã tổ chức diễn đàn Doanh nghiệp nông nghiệp (DNNN), "nóng" nhất tại hội nghị là hai vấn đề gồm vốn và việc đổi mới trang thiết bị. Không chỉ DN ở các tỉnh, thành phố "vấp" phải những vấn đề này mà ngay cả các DNNN của Hà Nội cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Đầu tiên là… vốn!
Ông Nguyễn Hữu Điệp, Trưởng ban Đổi mới DN (Bộ NN&PTNT) cho biết, quy mô về lao động, vốn và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng tiếp cận về vốn của DNNN còn hạn chế, đặc biệt là nguồn lực về tài chính còn rất yếu so với yêu cầu thực tế. Điều này đã làm cho các DNNN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, trang thiết bị, máy móc, công nghệ sản xuất của DNNN phần lớn từ những năm 1990 trở về trước nên rất lạc hậu. Mặt khác công nhân của các DNNN có tay nghề thấp do vậy chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ thấp, khả năng cạnh tranh yếu, chi phí giá thành cao… Nhiều ý kiến còn cho rằng, nền sản xuất nông nghiệp nước ta hiện đang nhỏ lẻ, phân tán và manh mún, cơ sở hạ tầng ở nông thôn yếu kém, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thường rủi ro và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên quay vòng vốn chậm, hiệu quả sử dụng vốn không cao nên DNNN khó thu hút đầu tư hơn DN ở các lĩnh vực khác.
Sản xuất rau an toàn tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo ông Trần Lệ, đại diện Công ty TNHH Mường Phăng (Điện Biên - Lai Châu) khó khăn cơ bản của các DNNN hiện nay là rất khó tiếp cận vốn. Các ngân hàng tuy có hứa hẹn nhưng khi tới thực địa tại các vùng sâu, vùng xa của Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái… là "ngán ngẩm" tìm cách từ chối khéo. Thực tế đã có nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Mộc Châu (Sơn La), Sapa (Lào Cai) đạt hiệu quả cao nhưng việc tiếp cận vốn hết sức khó khăn. Các DN cần vốn để đầu tư cải tiến công nghệ, xây dựng hạ tầng nhưng không thuyết phục được ngân hàng thương mại cho vay vốn.
DNNN của Hà Nội cũng không là ngoại lệ
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn TP Hà Nội có gần 50.000 DN nhưng số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 3%. Mặc dù được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng các DNNN Hà Nội cũng đang quẩn quanh với bài toán nguồn vốn và đổi mới trang thiết bị. Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư Tokin - đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh rau an toàn (RAT) - đã đầu tư tới 17 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế trong dự án sản xuất RAT Lộc Xuân trên diện tích 79,5ha tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) nhưng đến nay vẫn chưa thấy lợi nhuận, do mức đầu tư lớn, đầu ra sản phẩm khó khăn. DN phải bù lỗ để sản phẩm nông nghiệp an toàn đến tay người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH Hương Cảnh, Chi nhánh Hà Nội cho biết, công ty đang thu mua rau tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, do hệ thống siêu thị cả tháng mới thanh toán 1 lần nên DN thanh toán cho dân sau 10-15 ngày khiến nhiều nông dân không muốn bán hàng cho DN mà đem bán cho các thương lái khác để lấy tiền ngay. DN đã bỏ ra hơn chục tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi vì không có tài sản thế chấp. Các DNNN đều cho rằng với lãi suất gần 20%/năm như hiện nay của các ngân hàng thương mại, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chắc chắn lỗ nặng.
Thực tế thời gian qua, hầu hết các ngân hàng đều "ngại" rót vốn cho các dự án nông nghiệp vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Do vậy, các DNNN ít có điều kiện đổi mới trang thiết bị. Ông Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho rằng, để đầu tư cho 1ha nông nghiệp chất lượng cao cần khoảng 10-15 tỷ đồng/năm, rất tốn kém trong khi lợi nhuận thu về không thể đạt tới vài chục phần trăm một năm như các ngành thương mại, tài chính do đó hiện nay đa phần các DNNN đều hoạt động cầm cự. Vì vậy, để "cởi trói" cho các DNNN, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các DNNN được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi. Mặt khác, đặc thù của sản xuất nông nghiệp là tính rủi ro cao, thời gian quay vòng vốn dài nên thời hạn cho vay vốn cũng là vấn đề cần tính toán, cân nhắc cho phù hợp. Và cuối cùng, các DNNN rất mong nhận được sự ủng hộ cũng như cơ chế ưu đãi đặc thù của các địa phương tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, Bộ sẽ rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về chính sách đất đai, công nghệ, tín dụng, thuế và các chính sách liên quan đến các DNNN để đề xuất với Chính phủ sửa đổi các bất cập và xây dựng các chính sách mới phù hợp với thực tiễn để thúc đẩy các DNNN phát triển. Bản thân các DN cũng cần tăng cường nghiên cứu và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường, đánh giá lại năng lực sản phẩm, mức độ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, mở rộng liên kết hợp tác để nâng cao sức cạnh tranh.
Hiện cả nước có gần 9.000 doanh nghiệp nông thôn đang hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm trên 4% tổng số DN của tất cả các ngành kinh tế, 98% doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trong đó trên 90% có vốn dưới 10 tỷ đồng; 6% có vốn từ 10 tới 50 tỷ đồng và chỉ có 1% số doanh nghiệp nông nghiệp có mức vốn trên 200 tỷ đồng. Do quy mô vốn nhỏ nên nhiều DN gặp khó trong việc mở rộng sản xuất, khó vay vốn ngân hàng, trình độ khoa học công nghệ lạc hậu và khó tiếp cận thị trường quốc tế. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.