(HNM) - Những ngày Hà Nội nắng như thiêu đốt, chúng tôi ngược lên miền sơn cước Ba Vì để thấy cái khó, cái khổ của những người nông dân khi phải tiết kiệm từng giọt nước để dùng.
Trong khi người nông dân đang "khát", thì thông tin huyện Ba Vì điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã có đất bị thu hồi phục vụ dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ (Thái Hòa, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Vật Lại) và vùng lân cận nay sẽ chỉ cấp nước cho 2 xã (Thái Hòa, Phú Sơn) khiến hàng nghìn hộ nông dân choáng váng.
Công nông chở nước ăn đi bán cho người dân,...
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, mới chớm hè mà trên 1.900 nhân khẩu của gần 500 hộ dân tại đây nháo nhác vì thiếu nước sinh hoạt. Tiếp chúng tôi, khuôn mặt khắc khổ, Trưởng thôn Ngọc Nhị Phùng Đoài Thuần nói: "Hằng năm, cứ từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 4 năm sau, 80% số hộ trong thôn lại thiếu nước sinh hoạt vì toàn bộ giếng khơi cạn kiệt. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, một người dân Ngọc Nhị phải bớt ăn, bớt mặc để chi khoảng 200.000 đồng mua nước, trong khi bình quân thu nhập đầu người ở đây mới chỉ đạt trên 800.000 đồng/tháng". Câu chuyện đang dở dang, thì tiếng công nông chở nước đi bán chạy xình xịch ngoài con ngõ nhỏ, tiếng í ới gọi nhau mang xô chậu, can ra mua nước khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ông Thuần phân trần: Dân thôn tôi khổ thế đấy. Đã nghèo lại khốn khó đủ đường. Hằng ngày, người dân phải mua nước từ nơi khác chở đến với giá 50.000 đồng/m3 để sinh hoạt và chăn nuôi. Hôm trước tôi về nội thành ăn cỗ cưới con ông bạn, nghe người ta phàn nàn, mới đầu hè mà cả nhà 5 nhân khẩu dùng hết tới 80.000 đồng tiền nước/tháng trong khi các tháng trước chỉ hết có 50.000 đồng. Tôi quá ngạc nhiên vì số tiền đó chẳng đủ cho gia đình tôi (4 khẩu) dùng nước trong 3 ngày…
"Không chỉ có thôn Ngọc Nhị mà cả 11 thôn của xã Cẩm Lĩnh đều trong tình trạng "đói" nước sinh hoạt. Toàn xã hiện có khoảng 40% số hộ thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Nhiều năm nay sống trong cảnh khát nước triền miên, bao lần họp tiếp xúc cử tri là bấy nhiêu lần chúng tôi kiến nghị nhưng xem ra cứ hy vọng lắm rồi lại thất vọng nhiều. Nghe đâu việc cấp nước sạch cho 4 xã nằm trong dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ vốn lận đận, gặp nhiều trắc trở, nay có nguy cơ "khai tử", thay vào đó là dự án cấp nước cho 2 xã Phú Sơn và Thái Hòa. Nếu đúng như vậy thì thiệt thòi và tiếc cho chúng tôi quá" - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Vũ Văn Hà cho hay.
...còn đa số các sinh hoạt khác phải dùng nước ao hồ.
Dường như thấy cái nóng hầm hập trong câu chuyện của chúng tôi, anh chàng bán nước dạo tên Quang đến từ xã Phú Sơn cố pha trò để không khí bớt căng thẳng: Sắm chiếc công nông để chở nước đi bán như thế này tôi tính một hai năm là phải chuyển nghề vì lúc đó các xã ở đây sẽ có nước sạch để sử dụng. Ai dè chạy năm năm nay vẫn chưa lo thất nghiệp. "Mỗi ngày chỉ cần chịu khó lòng vòng từ Vật Lại qua Phú Sơn đến Cẩm Lĩnh là cũng có vài trăm nghìn đồng!" - Anh Quang cười tươi. Nói vậy thôi, em cũng chỉ mong chiếc công nông cà tàng này của em sớm được nghỉ hưu, vì thấy bà con mình "khát" quá, mình được một tý nhưng đời sống bà con ở đây quá khổ cũng ái ngại. Ở cả 4 xã này, nếu có nước, các hộ mở rộng chăn nuôi, sản xuất thì cuộc sống đỡ phần vất vả chuyện cơm áo.
Bà Hà Thị Phượng một người dân trong xã lại trăn trở theo một nhẽ khác: Xã Cẩm Lĩnh mất 60ha đất cho dự án Nghĩa trang Yên Kỳ (trong đó riêng Ngọc Nhị mất gần 40ha), nhu cầu nước sạch và đời sống dân sinh ở đây so với các xã Thái Hòa, Phú Sơn còn khó khăn hơn thì lý do gì dân Cẩm Lĩnh không được ưu tiên cấp nước sạch? Bà Phương lo lắng: "Theo thiết kế, khu hung táng của Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng nằm ở quả đồi đầu nguồn nước của thôn, trong khi mấy trăm hộ dân đều nằm ở khu vực thấp và dùng nước giếng khơi nên làm sao tránh khỏi ô nhiễm. Nếu không có nước sạch dân chịu sao nổi?".
Dự án chồng chéo, giải quyết vòng vo!
Được biết, khi dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ, tháng 5-2011, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho 4 xã bị thu hồi đất cho dự án này và các xã vùng lân cận với kinh phí 358 tỷ đồng. UBND huyện Ba Vì được giao làm chủ đầu tư. Dự án chia thành 2 giai đoạn thực hiện trong 3 năm (2011-2013). Giai đoạn I của dự án sẽ đáp ứng nhu cầu dùng nước cho khoảng 44% dân số của 4 xã bị thu hồi đất. Sau 7 tháng nghiên cứu hồ sơ, lựa chọn nhà thầu, tháng 1-2012, UBND huyện Ba Vì đã ra quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng triển khai thi công, lắp đặt thiết bị dự án. Sau khi trúng thầu, nhà thầu đã triển khai các bước thực hiện GPMB, chuẩn bị khởi công xây dựng. Mọi thủ tục đã hoàn tất, chỉ chờ UBND huyện cho phép định ngày khởi công nhưng đến nay dự án vẫn nằm "trên giấy" mặc dù theo quyết định phê duyệt, gói thầu này phải hoàn thành trong năm 2011 và mặc cho đời sống người dân các xã này khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt.
Làm việc với lãnh đạo huyện Ba Vì về nguyên nhân của sự chậm trễ này, đặc biệt là thông tin điều chỉnh dự án, chúng tôi thấy có nhiều điểm bất thường, thiếu thống nhất. Trong khi Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Lê Văn Minh cho rằng, huyện đã căn cứ vào Thông báo kết luận số 15/TB-UBND ngày 20-1-2012 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội để điều chỉnh dự án, nhưng một vị lãnh đạo khác của huyện lại khẳng định như đinh đóng cột: "Đến nay, UBND huyện chưa có văn bản nào đề nghị UBND TP cho điều chỉnh dự án, cũng chưa có văn bản nào của UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư điều chỉnh dự án xuống còn cấp nước cho 2 xã như đã nêu". Tuy nhiên, qua xem xét, PV Hànộimới nhận thấy, Thông báo số 15 và văn bản số 721 ngày 1-2-2012 của UBND TP không nhắc đến việc điều chỉnh dự án, chỉ giao cho Sở KH&ĐT và Sở Xây dựng rà soát trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu và rà soát thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng dự án... Điều đáng nói nữa là sau một thời gian rà soát, thẩm định, cả hai sở trên đã có văn bản báo cáo UBND TP và khẳng định: Trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công dự án đủ năng lực, thiết kế bản vẽ thi công… đều đúng theo quy định của pháp luật. Cả 2 sở trên đều đề nghị UBND TP sớm cho huyện Ba Vì triển khai thi công gói thầu 2 dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho 4 xã và vùng lân cận bảo đảm tiến độ. Bản thân UBND huyện Ba Vì cũng đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND TP cho tiếp tục triển khai dự án. Nhưng không hiểu vì sao mới đây, UBND huyện Ba Vì lại triệu tập hội nghị cho phép một doanh nghiệp vào nghiên cứu xây dựng nhà máy cấp nước sạch cho 2 xã Thái Hòa và Phú Sơn (?!). Về việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đã thừa nhận với chúng tôi tại buổi làm việc chiều ngày 4-5-2012 vừa qua. Đây là sự chỉ đạo chồng chéo, bởi dự án cấp nước sạch cho cả 4 xã, trong đó có các xã Thái Hòa, Phú Sơn chuẩn bị khởi công và cấp có thẩm quyền là UBND TP chưa có văn bản nào đình chỉ hoặc điều chỉnh dự án. Chính sự chỉ đạo chồng chéo này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và người dân các xã bị thu hồi đất mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ chậm được giải quyết về nỗi khổ về thiếu nước sạch. Dư luận đặt câu hỏi: "Phải chăng huyện Ba Vì muốn thay nhà thầu thi công dưới hình thức điều chỉnh dự án?". Được biết, ngay trong năm 2011, UBND TP đã quan tâm cấp 20 tỷ đồng cho dự án nhưng UBND huyện Ba Vì đã điều chỉnh hơn 16 tỷ đồng sang các dự án khác(!?).
Dự án cấp nước sạch cho cả 4 xã mất đất phục vụ dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ và vùng lân cận huyện Ba Vì có vai trò quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân nhường đất cho việc an táng người đã khuất, trong khi TP rất cần mở rộng, xây dựng một số nghĩa trang; đồng thời phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, vừa thể hiện sự quan tâm của TP đối với người dân vùng bị thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ. Rời những con đường mù mịt khói bụi, những ngôi nhà vẫn còn bỏng rát dưới cái nắng chiều, bà Phương, ông Thuần và nhiều người nông dân khác… cứ bịn rịn mãi với chúng tôi. Như thể khi chúng tôi đi rồi thì hy vọng của họ về việc sử dụng nước sạch, thứ mà lúc này họ quý và cần hơn bất cứ thứ tài nguyên nào khác, cũng sẽ… tan biến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.