Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vị trí “đầu tàu” trong đào tạo báo chí - truyền thông

Thống Nhất| 09/06/2017 06:58

(HNM) - 55 năm xây dựng và phát triển, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đào tạo cho đất nước và bạn bè quốc tế hơn 13 nghìn nhà báo, trong đó có rất nhiều người đã, đang giữ trọng trách trong hệ thống chính trị, nhiều người có uy tín, làm nòng cốt trong giới học thuật về báo chí - truyền thông.

Những chặng đường vẻ vang

Thành lập năm 1962, để có được vị thế như hôm nay, Khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trải qua ba giai đoạn phát triển, gặt hái được nhiều kết quả rất đáng tự hào nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách.

Sinh viên Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trao đổi nghiệp vụ sau chuyến đi thực tế. Ảnh: Tuấn Anh


Trong giai đoạn từ khi thành lập đến năm 1995, Khoa Báo chí trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử đất nước, cũng là giai đoạn tạo nền móng về mọi mặt cho sự phát triển sau này. Ban đầu, trong điều kiện đất nước bị chia cắt, Khoa Báo chí tập trung đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ hệ thống báo chí khu vực miền Bắc, một phần được đưa vào miền Nam trực tiếp tham gia công cuộc vận động đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, ngoài việc đảm nhận các khóa đào tạo tại trường, Khoa Báo chí còn được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và đảm trách giảng dạy các lớp đào tạo báo chí cho nước bạn Lào, Campuchia. Năm 1991 là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Khoa Báo chí với việc tổ chức chiêu sinh khóa đầu tiên đối với học sinh tốt nghiệp THPT và đào tạo theo các chuyên ngành như: Báo in, Báo ảnh, Phát thanh, Truyền hình. Những năm tiếp theo, các phương thức đào tạo đều được Khoa Báo chí bắt nhịp nhanh, từ đào tạo hệ chính quy tập trung đến đào tạo hệ tại chức, từ đào tạo - cấp bằng đại học thứ nhất đến đào tạo - cấp bằng đại học thứ hai… Nội dung và phương pháp đào tạo, trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ngày càng hoàn thiện, vững vàng hơn.

Từ năm 1995 đến năm 2003 là giai đoạn mở ra thời kỳ đào tạo sau đại học của Khoa Báo chí, cũng là giai đoạn đánh dấu bước trưởng thành của khoa khi là đơn vị đầu tiên của học viện cũng như trong cả nước được chiêu sinh đào tạo đầy đủ các cấp học từ cử nhân đến tiến sĩ; từ chính quy tập trung đến hệ vừa học vừa làm; từ đào tạo tại chỗ đến các lớp học tại địa phương…

Khi thực hiện việc tách Khoa Báo chí thành hai đơn vị là Khoa Báo chí và Khoa Phát thanh và Truyền hình vào năm 2004, đội ngũ thầy - trò Khoa Báo chí đứng trước nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, công tác thiết kế, quản lý chương trình, mô hình tổ chức đào tạo với những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn xã hội. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một khoa đào tạo đã được rèn đúc trong gần nửa thế kỷ, từ năm 2004 đến nay, các thế hệ cán bộ, nhân viên Khoa Báo chí lại tiếp tục vươn lên và có bước trưởng thành mới trong quá trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Công tác nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại được chú trọng.

Nhiều cơ hội; không ít thách thức

Với quan điểm đào tạo nhân lực cho một nền báo chí dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn, Khoa Báo chí đã từng bước xây dựng, hoàn thiện chiến lược nghiên cứu khoa học, khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển ngành khoa học Báo chí - Truyền thông của đất nước gắn với nhu cầu thực tiễn nghề nghiệp. Từ năm 1977, các cán bộ, giảng viên khi đó đã cùng các cộng sự nghiên cứu, xuất bản những tài liệu nghiệp vụ báo chí đầu tiên. Sau này, hàng nghìn bài báo, công trình khoa học đã được công bố, đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế và có tính ứng dụng cao, có tác động tích cực tới sự nghiệp phát triển báo chí.

Từ định hướng trên, những năm gần đây, Khoa Báo chí đã liên tục cập nhật chương trình, nội dung giáo trình, chuyển đổi cách thức đào tạo nhằm bám sát yêu cầu thực tiễn của ngành nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế. PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí nhận định, hoạt động báo chí truyền thông đang đứng trước nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức. Đó là những thách thức về việc phải cạnh tranh với mạng xã hội, về kinh tế báo chí, về vai trò, vị thế và năng lực tác động xã hội… Thực tế ấy đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Báo chí cần vừa nắm bắt những vấn đề thực tiễn đang vận động, vừa nắm vững quan điểm, định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước để tạo nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đánh giá về vai trò và định hướng phát triển của Khoa Báo chí, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Khoa Báo chí là cái nôi đào tạo báo chí sớm nhất ở Việt Nam, là “thương hiệu” quen thuộc, có uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Khoa Báo chí đang đứng trước yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Cụ thể là, nhà trường chỉ dạy cho sinh viên cái họ cần để hành nghề, chứ không phải tổ chức giảng dạy bằng những gì nhà trường có, bảo đảm để sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tìm được việc làm và sống được bằng nghề đã được đào tạo. Để đạt mục tiêu ấy, Khoa Báo chí có ba nhiệm vụ chiến lược quan trọng gồm: Phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên có chất lượng và chuẩn hóa, có trình độ tiến dần lên đẳng cấp khu vực và quốc tế; có chương trình đào tạo chuẩn, hiện đại và tương đối mở để thích ứng với sự vận động của nhu cầu xã hội; xây dựng được mối quan hệ “cung - cầu” ổn định và hiệu quả giữa cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông với các cơ quan báo chí, doanh nghiệp truyền thông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vị trí “đầu tàu” trong đào tạo báo chí - truyền thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.