Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vị thế Việt Nam

Lâm Phương| 06/10/2010 06:45

(HNM) - Sau hai ngày làm việc, Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 8 (ASEM 8) tại Brussels (Bỉ) với chủ đề "Chất lượng cuộc sống, vì hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân" vừa kết thúc tốt đẹp tối qua (5-10, giờ Việt Nam).

Hai văn kiện quan trọng gồm Tuyên bố Chủ tịch ASEM 8 về hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân và Tuyên bố Hội nghị ASEM 8 về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu cùng 16 sáng kiến mới về tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực được các nguyên thủ Á - Âu thông qua tại hội nghị cho thấy, ASEM tiếp tục là diễn đàn đối thoại vô cùng ý nghĩa giữa hai châu lục Á - Âu được các thành viên coi trọng, đặc biệt trong việc phối hợp chính sách và ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Hội nghị Cấp cao ASEM 8 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới cũng như ở châu Á và châu Âu tiếp tục có những chuyển biến sâu sắc và nhanh chóng. Châu Á đang chứng kiến tốc độ gia tăng liên kết kinh tế nhanh chóng và sâu rộng ở cả cấp độ tiểu vùng và khu vực. Các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc, Ấn Ðộ và Việt Nam, phục hồi mạnh với mức tăng trưởng cao, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình "hồi sức" của nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực đẩy mạnh nhất thể hóa với việc phê chuẩn Hiệp ước Lisbon. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của "bão nợ" công, nhiều quốc gia ở khu vực này đang phải đối mặt với không ít khó khăn về nợ công, thất nghiệp cao và nguy cơ suy thoái kép đang hình thành. Sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia và khu vực cho thấy nền kinh tế thế giới vẫn còn phải đứng trước nhiều rủi ro và thách thức. Do đó, việc tăng cường liên kết giữa hai châu lục Á - Âu không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên ASEM mà còn góp phần vào sự ổn định chung của toàn cầu.

Cũng chính vì lý do này, từ chỗ chỉ có 26 thành viên sáng lập năm 2006, ASEM đã không ngừng mở rộng. Sau hai lần kết nạp thêm thành viên mới, Hội nghị cấp cao lần này tiếp tục chứng kiến sự gia nhập của Nga, Australia và New Zealand, đưa ASEM trở thành "ngôi nhà lớn" với 48 thành viên, đại diện cho 60% dân số, gần 65% tổng kim ngạch thương mại thế giới và 55% GDP toàn cầu. Đặc biệt, có 12 thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và 4 thành viên thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Với tư cách là thành viên đồng sáng lập ASEM, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn quốc tế quan trọng này. Ngoài việc tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng giữa hai châu lục như: Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 (2004), Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế lần thứ 3 (2001), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (2009) và Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 2 (2009), Việt Nam là một trong những thành viên đi đầu trong đề xuất các sáng kiến hợp tác Á - Âu trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, khoa học - công nghệ, du lịch, kinh tế.

Tham dự ASEM 8 không chỉ trên cương vị dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam mà còn là Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những đóng góp thiết thực vào nội dung của hội nghị, nhất là về phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả cơ chế quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu và nâng cao vị thế của ASEM, góp phần thúc đẩy hợp tác sâu rộng của diễn đàn. Đây là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, quan hệ của Việt Nam với nhiều nước thành viên ASEM được tăng cường với việc mở rộng các quan hệ đối tác, ký kết, triển khai các hiệp định liên kết kinh tế và hình thành các khu vực mậu dịch tự do. Sự kiện đại diện của Việt Nam và EU ký tắt Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) cùng nhiều hiệp định song phương khác bên lề ASEM lần này là một minh chứng điển hình cho những thành công trong khuôn khổ hợp tác Á - Âu.

Đây là dấu mốc mới trên chặng đường xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện và lâu dài giữa Việt Nam và EU trong thế kỷ XXI.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vị thế Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.